Sứ mệnh báo chí trong phát triển kinh tế xanh
Các chuyên gia, nhà báo đánh giá báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Ngày 1-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra Hội thảo Chuyên đề "Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững" do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài nguyên & Môi trường tổ chức.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Huy Ngọc, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP HCM; nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng lãnh đạo các cơ quan báo đài trung ương và địa phương..
Góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Tại hội thảo, chia sẻ câu hỏi về tăng trưởng xanh và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa Carbon.
Chiến lược này đặt con người làm trung tâm, khuyến khích lối sống có trách nhiệm, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.
Theo ông Thọ, thách thức lớn nhất của Việt Nam là huy động nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh quy mô toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu áp lực từ sự phát triển nhanh chóng và các vấn đề môi trường nghiêm trọng.
Ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH, cho biết để đạt được mục tiêu Net Zero Carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các doanh nghiệp và nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng, trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).
Trao đổi về kinh nghiệm mà áp lực doanh nghiệp đang gặp phải, ông Arghya Mandal cho hay những quy định phát triển xanh là bắt buộc từ Chính phủ cũng như lãnh đạo Công ty Cổ phần TH để áp dụng công nghệ đầu tư mang lại hiệu quả cao, giảm thiếu ô nhiễm, rác thải.
Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí là công cụ truyền thông hiệu quả và kịp thời nhất, thông qua các hoạt động nhằm nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về phát triển bền vững đang hướng tới để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tự thân chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là nguồn cảm hứng cho cơ quan báo chí, khơi gợi trách nhiệm xã hội vốn là sứ mệnh của báo chí, từ đó giúp truyền tải thông điệp truyền thông có ý nghĩa đến với độc giả và xã hội.
Tạo phong trào và chuyển hóa trong xã hội
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh đây là hoạt động rất có ý nghĩa, khuyến khích phát triển kinh tế xanh.
Theo nhà báo Tô Đình Tuân, để tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là câu chuyện rất dài, nhất là nền kinh tế của chúng ta còn thiếu nội lực, thiếu quy mô so với kinh tế toàn cầu. Do chúng ta còn khó khăn nên khi nói về câu chuyện phát triển xanh, phát triển bền vững nhiều người vẫn còn băn khoăn, chưa nhận thức một cách đầy đủ. Vì vậy, truyền thông là kênh truyền tải chủ trương, chính sách về phát triển xanh để người dân cùng đồng tâm hiệp lực, hướng đến nền kinh tế xanh trong tương lai.
"Tôi đánh giá cao về việc thành lập Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh để truyền thông hiệu quả. Tôi đề nghị truyền thông và doanh nghiệp cùng đồng hành để tổ chức các hoạt động ý nghĩa một cách thường xuyên, liên tục, tạo ra phong trào và chuyển hóa trong xã hội" - nhà báo Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Cũng theo nhà báo Tô Đình Tuân, Báo Người Lao Động bắt đầu hành động và có sự chuẩn bị cho vấn đề phát triển kinh tế xanh. Cụ thể, ngày 4-11 tới, báo sẽ ra mắt Chuyên trang Kinh tế xanh, đây là sự chuẩn bị có bài bản, đầu tư và có những thông tin về chính sách, quy định của pháp luật và đặc biệt tạo ra sân chơi, động viên cho các doanh nghiệp từ bé đến lớn cùng hòa nhập vào sự phát triển kinh tế xanh.
"Hy vọng chúng ta cùng nắm tay nhau hoàn thành sứ mạnh này" - nhà báo Tô Đình Tuân chia sẻ.
Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM, Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí Phát triển Xanh, cho biết ngay tại chuỗi sự kiện này, ban tổ chức đã thiết kế rất thiết thực, từ trang bị lý luận đến thay đổi nhận thức, từ chuỗi hội thảo đến việc đi thực tế. Lợi thế của Green Media Hub là tập hợp các nhà báo, nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam. "Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng các kế hoạch hợp tác truyền thông theo thế mạnh của từng cơ quan báo chí với từng nhóm doanh nghiệp theo các tiêu chí như năng lượng xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh, vận chuyển xanh…" - nhà báo Mai Ngọc Phước khẳng định.
Bà Chu Kim Thanh, Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam cũng khẳng định vai trò truyền thông vô cùng quan trọng trong công việc nâng cao nhận thức cộng động. PRO Việt Nam đã xác định một trong các chiến lược ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm đầu tiên là truyền thông để tăng cường nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền và giáo dục.
Có thể nhận thấy sự thay đổi nhận thức rõ rệt những năm gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng dân cư về EPR, sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh... nhờ công tác truyền thông.
Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam cũng chia sẻ doanh nghiệp đang tiên phong sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc.
Hiện toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu.
Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp HEINEKEN Việt Nam 8 năm liền nằm trong top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/su-menh-bao-chi-trong-phat-trien-kinh-te-xanh-196241101115139256.htm