Sự mệt mỏi của Lý Tử Thất
Đánh mất vị thế độc tôn, giờ đây Lý Tử Thất loay hoay tìm cách thương mại hóa hình ảnh và cố gắng bán mọi thứ dưới cái tên 'tiên nữ đồng quê'.
Hôm 30/8, Lý Tử Thất cho biết sẽ tạm ngừng sản xuất video cuộc sống đồng quê. Tuyên bố khiến nhiều người thất vọng nhưng không quá bất ngờ.
Trong một năm qua, "tiên nữ đồng quê" Trung Quốc đăng 10 video trên kênh cá nhân, chỉ bằng 1/3 tổng số sản phẩm cô chia sẻ những năm trước đó.
Không chỉ giảm đáng kể về số lượng, chất lượng cũng bị nhận xét ngày càng tụt hậu. Một số video gần đây còn vướng tranh cãi vì cắt ghép cẩu thả, sử dụng bối cảnh phim trường, dàn cảnh giả.
Tử Thất nói rằng cô muốn có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng lại cuộc sống sau hành trình 5 năm miệt mài với cuộc sống làng quê, dân dã. Thế nhưng, trên thực tế, nữ blogger cho thấy cô cũng đặt nhiều toan tính vào quyết định lần này.
Khi xu hướng “bỏ phố về quê” phổ biến trong giới trẻ và trở thành đề tài kiếm ra tiền với giới sáng tạo nội dung, Tử Thất gần như thất thế trong chính sân chơi mà cô khởi xướng.
Trước khi đánh mất hàng loạt danh xưng, danh hiệu gây dựng trong nhiều năm qua, blogger 31 tuổi đang tập trung thương mại hóa và cố gắng bán mọi thứ dưới cái tên “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất.
Đánh mất vị thế độc tôn
Lý Tử Thất bắt đầu lập kênh cá nhân và đăng những video đầu tiên về cuộc sống ở vùng quê hẻo lánh của cô tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào năm 2016.
Xuất hiện đúng lúc nhiều người Trung Quốc quay lưng với làn sóng toàn cầu hóa và chính phủ Trung Quốc chú trọng công cuộc “hồi sinh” khu vực nông thôn, Tử Thất thành công nhanh chóng.
Tính đến năm 2019, định giá thương hiệu của cô đã vượt qua 10 con số. Nữ blogger được vinh danh trong top 15 nhân vật ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc ở hạng mục "Nhân vật quảng bá văn hóa".
Đầu tháng 2/2021, “tiên nữ đồng quê” được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người sở hữu kênh YouTube tiếng Trung có nhiều lượt đăng ký nhất.
Sau sự thành công của cô, hàng loạt vlogger ẩm thực, du lịch khác xuất hiện cũng tập trung khai thác lối sống mộc mạc vùng nông thôn. Không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, xu hướng này còn lan rộng sang nhiều quốc gia khác.
Thế nhưng, trở thành người khởi xướng không đảm bảo vị trí dẫn đầu mãi mãi cho Lý Tử Thất. Giữa vô số các video cuộc sống làng quê giống nhau từ bối cảnh, trang phục hanfu cho đến tiếng chim kêu, nước chảy, “tiên nữ đồng quê” đã không còn giữ được chất riêng.
Không chỉ bị sao chép hình ảnh, phong cách, Tử Thất cũng gặp khó trong sáng tạo nội dung. So với các kênh khai thác cùng chủ đề, nữ blogger bị nhận xét là “lười” ra video nhất, khi chỉ có khoảng một sản phẩm/tháng trong hơn một năm qua.
Điều này dẫn đến lượng tương tác sụt giảm đáng kể. Theo thống kê từ Social Blade, lượt xem và đăng ký kênh YouTube của Tử Thất trong tháng 7/2021 chỉ bằng một nửa của tháng 7/2020.
Khi nhiều “người kế vị” xuất hiện đe dọa đến vị trí bất khả xâm phạm của “tiên nữ đồng quê”, các fan trung thành đã không ngừng thúc giục Tử Thất sản xuất nhiều video hơn nữa và duy trì lượng truy cập.
Thế nhưng, theo Sohu, nữ blogger sinh năm 1990 đã quá mệt mỏi. Cô tỏ ra thờ ơ ngay cả khi vướng vào tranh cãi. Không dưới hai lần, Tử Thất từng bày tỏ mong muốn tạm dừng sản xuất video cuộc sống thôn quê để tập trung cho những mục tiêu khác.
Loay hoay thương mại hóa hình ảnh
Năm 2018, Tử Thất bắt đầu thương mại hóa tên tuổi cá nhân khi mở cửa hàng đầu tiên trên trang thương mại điện tử Tmall. Đây được coi là bước thăm dò về thương hiệu cá nhân của “tiên nữ đồng quê” trong lĩnh vực bán lẻ.
Chỉ trong vòng một tuần, cửa hàng đã có hơn 10 triệu giao dịch đặt hàng. Tử Thất bán mọi thứ, từ những món ăn xuất hiện trong các video: bún ốc, tương ớt, sữa đậu nành, đồ ăn sáng, món ăn kèm… cho đến loạt hanfu, khăn che mặt, áo choàng cô từng diện.
Theo báo cáo của Huashang Taolue, trong năm 2020, doanh thu của cửa hàng Tử Thất trên Tmall đạt hơn 100 triệu nhân dân tệ. Các sản phẩm đóng gói ăn liền như mì, bún, bánh gạo có doanh số cao nhất trong đại dịch.
Thế nhưng, bên cạnh tốc độ tăng trưởng chóng mặt, việc kinh doanh các sản phẩm gắn liền với tên tuổi “tiên nữ đồng quê” cũng vướng không ít lùm xùm.
Sản phẩm bún ốc Liễu Châu thuộc thương hiệu Lý Tử Thất từng nhiều lần bị người tiêu dùng tố mất vệ sinh khi phát hiện xác kiến, tàn thuốc trong các gói thành phần.
Đầu năm 2021, nước sốt nấm hương của Tử Thất bị cáo buộc làm giả, phóng đại các thành phần chất dinh dưỡng.
Sau đó, thương hiệu thức ăn của nữ blogger tiếp tục bị đặt dấu hỏi về mức độ an toàn, vệ sinh khi nhiều khách hàng phản ánh tình trạng hộp đựng thức ăn có dấu hiệu bị khui, mở trước khi bán.
Cuối năm 2020, thương hiệu thức ăn của Lý Tử Thất đứng trước nguy cơ bị tẩy chay khi cô nàng bị tố đã trả tiền để xóa bài đăng tiêu cực về mình cũng như các sản phẩm của công ty trên mạng xã hội.
Trong những vụ lùm xùm kể trên, Tử Thất thường chọn cách im lặng hoặc bóng gió quy trách nhiệm cho đơn vị hợp tác sản xuất, đóng gói.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không chấp nhận cách xử lý này. Họ chỉ trích blogger đã thương mại hóa hình ảnh quá đà, cố đẩy nhanh doanh số bán hàng bằng cách liên kết, bán tên tuổi, hình ảnh, công thức nấu ăn cho quá nhiều công ty sản xuất thực phẩm đại trà.
“Tôi đã mua một chai nước tương thương hiệu Lý Tử Thất sau khi xem clip của cô ấy và tin vào lời quảng cáo sản xuất thủ công. Nhưng khi nhận được sản phẩm, tôi đã rất thất vọng, chai nước tương không khác gì hàng công nghiệp nhưng có giá cao gấp 5-6 lần”, một khách hàng cho biết.
Nhiều người tin rằng ngay cả khi không thuê nhà máy sản xuất đại trà, Tử Thất cũng không bao giờ bán thực phẩm do chính tay cô tạo ra.
“Tử Thất giờ đây có cả ekip hùng hậu hỗ trợ phía sau. Nếu cô ấy tiếp tục sản xuất video thì nó cũng chỉ như một đoạn phim quảng cáo cho các loại đồ ăn thức uống mà cô ấy chuẩn bị ra mắt”, một người nêu ý kiến.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-met-moi-cua-ly-tu-that-post1257618.html