Sửa đổi Bộ luật Lao động: Mở rộng nhận diện với lao động chưa thành niên
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, lao động sớm để lại nhiều hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi 5-17 đang làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh... tập trung ở các ngành nông nghiệp (70,9%), dịch vụ (17,1%), ngành công nghiệp (11,9%).
Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó 34% làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.
Lao động trẻ em chủ yếu làm việc ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức. Đó là những nơi ngoài tầm kiểm soát của thanh tra lao động hoặc công đoàn.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, lao động sớm để lại nhiều hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ luật Lao động hiện hành về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là: Các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC), Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Dù vậy, trong quá trình thực hiện, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, bất cập liên quan đến các quy định về lao động chưa thành niên, cho nên, cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho hay, Bộ luật Lao động hiện hành có nhiều bất cập liên quan đến trẻ em. Bộ luật Lao động năm 2012 đã đưa ra các nguyên tắc, điều kiện chặt về sử dụng lao động chưa thành niên; quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên phù hợp với công ước quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 mới chỉ đưa ra quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 15 tuổi nói chung mà không có quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 13 tuổi, không có quy định cụ thể về thời gian làm thêm của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), để giảm thiểu việc sử dụng lao động trẻ em, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động trên thực tế; sửa đổi thuật ngữ người lao động, người lao động không có quan hệ lao động, lao động chưa thành niên; bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên theo hướng lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi); bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi (người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; người chưa đủ 13 tuổi).
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đang lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia làm thế nào để các quy định của Bộ luật có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động; những nội dung nào cần hoàn thiện nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động...