Sửa Luật Đầu tư: Lãnh đạo PVN nêu vướng mắc khi xử lý dự án dang dở của Vinashin

Theo Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2010 về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), PVN nhận bàn giao từ Vinashin 6 doanh nghiệp/dự án đang bị mất cân đối tài chính. Theo Lãnh đạo PVN, công ty mẹ PVN không đủ kinh nghiệm để xử lý những dự án này và thiếu cơ chế để chuyển giao cho công ty con đủ năng lực xử lý.

Ông Lê Mạnh Cường - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát biểu tại Tọa đàm sáng 15/10.

Ông Lê Mạnh Cường - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát biểu tại Tọa đàm sáng 15/10.

Sáng 15/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến một số doanh nghiệp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật về đầu tư).

Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, các hiệp hội vào chiểu 4/10, đã thảo luận tại Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10 tới.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Mạnh Cường - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết,

Đối với Luật Quy hoạch, PVN đề nghị bổ sung quy định về việc không bắt buộc lập quy hoạch 1/500 khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án hóa dầu do đặc thù của các dự án hóa dầu vào thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì chưa có nhà cung cấp bản quyền công nghệ nên chưa lập được hoặc việc lập quy hoạch 1/500 không đảm bảo tính chính xác.

"Dựa trên điều kiện thực tế của PVN, tôi lấy ví dụ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bây giờ muốn mở rộng sang phần hóa dầu thì đặc thù của ngành hóa dầu là phải mua hoặc lựa chọn nhà cung cấp bản quyền công nghệ và đơn vị này sẽ là chủ đạo trong lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có quy hoạch 1/500. Quy định như trên sẽ khiến dự án hóa dầu không thể chọn được nhà cung cấp bản quyền công nghệ", ông Cường nói.

Đối với Luật Đầu tư, đại diện Tập đoàn PVN cho rằng cần bổ sung quy định về xử lý hệ quả trong trường hợp chủ đầu tư bị ngừng hoặc chấm dứt dự án đầu tư do nguyên nhân khách quan.

Nêu ví dụ, lãnh đạo PVN cho hay, năm 2019, Mỹ thực hiện cấm vận đối với nhà thầu Nga khiến Nhà máy Nhiệt điện Long Phú của PVN bị ảnh hưởng. Cụ thể, một trong những nhà tổng thầu của nhà máy nhiệt điện này đến từ Nga, bị chịu ảnh hưởng của cấm vận nên buộc phải chấm dứt hợp đồng.

"Việc chấm dứt hợp đồng này là do khách quan, bất khả kháng và chưa có tiền lệ. Do đó, PVN đang lúng túng trong xử lý hệ quả của việc này vì không có quy định cụ thể để thực hiện, trong khi dự án đã hoàn thành gần 80% và bị chậm tiến độ từ năm 2019 đến nay".

Tương tự, Phó tổng giám đốc PVN đề nghị, sửa Luật Đầu tư cần xác định rõ thủ tục chuyển giao các dự án dang dở giữa cơ quan và doanh nghiệp nhà nước với nhau.

Cách đây hơn 10 năm, PVN nhận một số dự án dang dở của Vinashin theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, khi phải xử lý những dự án dang dở này thì Công ty mẹ PVN không có đầy đủ chức năng, kinh nghiệm để xử lý, vì những vướng mắc chủ yếu liên quan đến đóng tàu và các hoạt động khác của ngành hàng hải.

"Trong khi đó, trong các đơn vị của PVN có những đơn vị chuyên trách có đủ năng lực để làm việc này như khai thác cảng, đóng tàu, nghiệp vụ hàng hải khác ... thì PVN không có cơ chế để chuyển giao những dự án này đúng địa chỉ, gây thiệt hại cho lợi ích chung", ông Cường thông tin.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Đối với Luật PPP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất bổ sung cơ chế giám sát , đảm bảo tính minh bạch thông tin trong quá trình triển khai các dự án PPP và quy định rõ trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư; đề nghị cụ thể hóa tiêu chí "lợi nhuận hợp lý" để làm cơ sở cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư và cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, PVN đề nghị bổ sung và/hoặc làm rõ về trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu "một giai đoạn hai túi hồ sơ" (điểm b, Khoản 1, Điều 31 Luật Đấu thầu hiện hành).

Theo đó, phương thức này không chỉ áp dụng đối với các gói thầu "thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển mà còn bao gồm các gói thầu "có yêu cầu cao về kỹ thuật", trong đó yêu cầu cao về kỹ thuật sẽ do chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền quyết định.

Theo đại diện PVN, các dự án đầu tư phát triển của PVN hầu hết là dự án yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp (như dự án xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện, dự án Nhà máy điện khí, dự án Nhà máy xử lý khí, dự án đóng mới giàn khoan, dự án thi công đường ống biển...);

Các gói thầu chính của dự án được thực hiện thông qua việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổng thầu EPC do tính chất kỹ thuật phức tạp của gói thầu và thực hiện theo phương thức đấu thầu "một giai đoạn hai túi hồ sơ".

Tuy nhiên, pháp luật về khoa học, công nghệ hiện hành chưa có quy định về việc xác định gói thầu đòi hỏi kỹ thuật cao trong đó có các gói thầu hỗn hợp thuộc các dự án đầu tư của PVN nêu trên. Vì vậy, việc đấu thầu gói thầu hỗn hợp có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thuộc các dự án đầu tư của PVN hiện nay đang phải chuyển từ phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ sang áp dụng theo phương thức "một giai đoạn một túi hồ sơ".

PVN có những dự án, thường là ngành dầu khí, muốn lựa chọn công nghệ của nhà thầu có trình độ cao như nhóm EU, G7 và thực tế ngành dầu khí đặc thù cũng đòi hỏi phải có yêu cầu cao như vậy. Nhưng khi đấu thầu "một giai đoạn một túi hồ sơ" sẽ dẫn đến lúng túng trong việc lựa chọn nhà thầu mà mình mong muốn có tiêu chuẩn cao, kỹ thuật cao, do giá cao sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Từ đó, Tập đoàn này đề xuất áp dụng phương thức "một giai đoạn hai túi hồ sơ" tại Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này cho trường hợp: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có nội dung thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tưởng Chính phủ ban hành.

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6 Luật Đấu thầu), để đảm bảo tối ưu việc triển khai các chuỗi dự án, phát huy được thế mạnh các đơn vị trong tập đoàn kinh tế nhà nước, PVN đề nghị bỏ hạn chế "nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên" đối với trường hợp các nhà thầu nêu trên là công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Cường, vì quy định này mà một số doanh nghiệp vụ dầu khí của PVN không được tham gia vào tổng thầu PVC trong khi đó dự án dầu khí về cơ bản nếu những doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước không thực hiện thì nhà đầu tư phải lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài.

"Ngoài các nhà thầu chuyên dụng của PVN thì không có nhiều nhà thầu khác trong nước có khả năng tương đương để làm công việc này, vô hình trung "trói tay" doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đến PVN và các doanh nghiệp ngành dầu khí.

Cuối cùng lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổng thầu nước ngoài chiếm lĩnh vực khá quan trọng liên quan đến dầu khí, đến an ninh chủ quyền biển đảo, liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao", ông Cường nêu thực trạng.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sua-luat-dau-tu-lanh-dao-pvn-neu-vuong-mac-khi-xu-ly-du-an-dang-do-cua-vinashin-post355970.html