Sức mua giảm, doanh nghiệp tìm cách chống 'ế' hàng hóa

Tiêu dùng trong nước 5 tháng năm 2024 mặc dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019. Đây là thách thức với nhiều doanh nghiệp trong việc đưa ra giải pháp kích cầu sức mua, chống ế hàng hóa.

Trong bối cảnh chung nhiều biến động, việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm cũng như dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỗi doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 12,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).

Thắt chặt hầu bao mua sắm

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, NielsenIQ Việt Nam dẫn báo cáo mới đây của NielsenIQ Việt Nam cho thấy, người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết.

Các mặt hàng không thiết yếu bị người tiêu dùng cắt giảm mua sắm.

Các mặt hàng không thiết yếu bị người tiêu dùng cắt giảm mua sắm.

Trong quý I/2024, có 62% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm. Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn. Khoảng 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn do không biết rủi ro gì có thể xảy ra trong tương lai.

Đồng thời, người dùng Việt đang có xu hướng mua sắm trực tuyến để tận dụng ưu đãi và có sự so sánh về giá cả giữa các sản phẩm, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp hơn. Đó chính là khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc giữ chân khách hàng.

Theo bà Hà, duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng sẽ là một thách thức trong năm 2024. Thị trường, nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng thay đổi theo thời gian. Người tiêu dùng cho rằng, họ cần chi tiêu cẩn trọng hơn vì vẫn còn nhiều khó khăn phía trước và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng cho đến một năm nữa. Do đó, doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng mới nhất để hiểu rõ những gì người tiêu dùng muốn và cần, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và sản phẩm có giá trị thực sự.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Nga, đại diện Công ty Kantar Việt Nam, nhìn nhận hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng dài vô tận, nhiều người dùng có thể bỏ hàng hóa vào giỏ nhưng không chốt đơn, cũng có người dùng mua rất nhanh nhưng không dùng, quên luôn nhãn hiệu.

Bà Nga cho rằng, ngày càng khó giữ chân người dùng. Người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều doanh nghiệp cảm nhận rõ rệt sức mua giảm. Bà Lê Trúc My, Giám đốc Công ty My Tỷ Mai, nhìn nhận sức mua của người dân đã giảm rõ rệt trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Theo quan sát, hiện nay người dân chỉ chi tiêu những mặt hàng cần thiết nhất, trong đó chủ yếu là các mặt hàng dành cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Bắt kịp xu hướng mua sắm

Trước khó khăn trên, bà My cho rằng cần kích cầu tiêu dùng của người dân cũng như tạo điều kiện để DN sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tập trung khuyến mại, kích cầu tiêu dùng tăng sức mua.

Bộ KH&ĐT đánh giá, tiêu dùng trong nước 5 tháng mặc dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019; để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng thì cần tiếp tục có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước.

Để kích cầu sức mua, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tới giải pháp cần theo dõi sát tình hình lạm phát, làm tốt công tác phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả, bảo đảm điểm soát lạm phát cả năm để cận dưới mục tiêu đề ra.

Về phía mình, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới việc tiếp thị và bán hàng. Đồng thời, thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng. Thời gian gần đây, các kênh bán hàng trực tuyến đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng.

Khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường tiêu dùng nhanh và dự kiến sẽ tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới, mở ra cơ hội cho các thương hiệu nhất là các thương hiệu nhỏ, tiếp cận nhiều người mua sắm hơn một cách nhanh chóng. Hiện, TikTok Shop đã gia tăng đáng kể lượng người mua trong một thời gian ngắn nhờ nền tảng giải trí – mua sắm độc đáo với khoảng 267 nghìn chi tiêu mỗi dịp mua.

Ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital, nhấn mạnh hành vi và nhu cầu mua hàng của khách hàng biến đổi liên tục tạo ra các thách thức về tìm kiếm và giữ chân khách hàng trung thành. Sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại cho phép khách hàng có rất nhiều lựa chọn khác nhau khi mua sắm. Cho dù đó là mua sắm thực phẩm, quần áo và giày dép, giải trí hay đồ điện tử… Việc theo kịp tất cả các xu hướng, hành vi khách hàng và tiến bộ công nghệ mới nhất là thách thức lớn đối với các thương hiệu bán lẻ.

Đồng thời, ông Long nhấn mạnh, khách hàng hiện đại có xu hướng dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ, quan tâm đến các sản phẩm và trải nghiệm phù hợp với lối sống, thân thiện với môi trường, sự bền vững và ngày càng dành sự ưu tiên cho các sản phẩm, doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đồng thời, chuyển đổi số là chìa khóa khắc phục các thách thức, tận dụng các cơ hội nhằm bám sát các xu hướng mới, thúc đẩy hiệu quả vận hành và mang lại các trải nghiệm đột phá cho khách hàng.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/suc-mua-giam-doanh-nghiep-tim-cach-chong-e-hang-hoa-1100560.html