Sức sống mới trên phố núi Bến Quan

Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, trải qua 25 năm xây dựng, bộ mặt thị trấn Bến Quan đang khởi sắc từng ngày. Từ một thị tứ nông trường, đến nay Bến Quan đã mang dáng vóc của một đô thị loại 5, xứng đáng là điểm sáng kinh tế - xã hội khu vực phía Tây huyện Vĩnh Linh.

 Toàn cảnh thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh

Toàn cảnh thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh

Có cội nguồn từ Nông trường Quốc doanh Quyết Thắng, sự ra đời của thị trấn Bến Quan cách đây vừa tròn 25 năm đánh dấu bước phát triển mới của một địa bàn dân cư trên miền Tây huyện Vĩnh Linh. Việc thành lập thị trấn Bến Quan đảm nhiệm chức năng quản lí nhà nước riêng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Nông trường Quyết Thắng là để phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng tạo điều kiện cho thị trấn phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, trải qua 5 nhiệm kì đại hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Bến Quan đã phát huy truyền thống anh hùng, tận dụng tối đa mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các nghị quyết, mục tiêu đề ra. Trong phát triển kinh tế, thị trấn đã tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng tỉ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ đặc điểm địa hình gò đồi, thị trấn Bến Quan đã biến đây thành tiềm năng thế mạnh với việc xác định loại cây trồng mũi nhọn là cao su tiểu điền và cây lâm nghiệp. Đến nay thị trấn đã phát triển được 1.800 ha cao su, hơn 1.000 ha cây lâm nghiệp; cùng với việc tích cực cải tạo vườn tạp, đưa vào nhiều giống cây mới, phát triển các mô hình vườn rừng như cây ăn quả có múi, hồ tiêu, chăn nuôi trang trại, gia trại kết hợp đa con… nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, có hộ lên tới hàng tỉ đồng.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Bến Quan còn có nhiều lợi thế phát triển các ngành nghề TTCN, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, nhờ có tuyến đường Hồ Chí Minh mà giao thương trên địa bàn như được tiếp thêm sinh lực. Các hoạt động mua bán, trao đổi lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn với hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa với giá trị sản xuất ở lĩnh vực này chiếm 60% cơ cấu nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Bến Quan đạt từ 10-11%, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn thị trấn đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 10 lần so với năm 1994; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,09%, thấp nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Chăm lo phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng kết cấu hạ tầng để đáp ứng yêu cầu đô thị hóa được thị trấn đặc biệt quan tâm. Trong đó, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh như đèn điện chiếu sáng, nước sạch, đường giao thông, trạm y tế… Hiện nay, thị trấn đã xây dựng được hệ thống trường học 4 cấp từ mầm non đến THPT, xóa đi cảnh con em Nông trường Quyết Thắng ngày xưa và thị trấn Bến Quan của những năm 2003 trở về trước phải “cơm đùm gạo bới” đi đến các địa phương khác để học chữ. Hệ thống trạm y tế được đầu tư xây dựng với đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020; 12/12 thôn khóm có nhà văn hóa, sân tập luyện thể dục, thể thao; trên 90% hệ thống đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa. Đặc biệt, từ năm 2012 bằng nội lực của cán bộ, nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp, thị trấn đã xây dựng được một Trung tâm văn hóa và cổng chào với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỉ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, thị trấn đã có 12/12 khóm phố và hơn 90% hộ dân đạt danh hiệu văn hóa. Từ năm 2000, Bến Quan đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, giữ vững phổ cập tiểu học, nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đối với người có công, gia đình chính sách được thực hiện kịp thời.

Công tác xây dựng Đảng được thị trấn xác định là nhiệm vụ then chốt để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Từ khi thành lập, Đảng bộ thị trấn có 195 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 12 chi bộ thì nay đã có 17 chi bộ với 388 đảng viên. Với tinh thần vượt khó, đoàn kết đồng lòng, nhiều năm liền Đảng bộ và chính quyền thị trấn Bến Quan giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu.

Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Đỗ Thị Lài cho biết: “Tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn Bến Quan ngày càng giàu đẹp, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phấn đấu tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt từ 12 -15%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng trong năm 2019 và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ. Chú trọng phát triển giáo dục và tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa; trong đó đặc biệt quan tâm việc nâng cấp hệ thống giao thông, nâng cao chất lượng văn hóa các gia đình, khóm phố và xây dựng nếp sống văn minh...”.

Để thực hiện được các mục tiêu này, thị trấn Bến Quan đã đề ra 5 nhiệm vụ chính đó là: Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tập trung phát triển kinh tế, thực hiện bằng được các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kì 2015- 2020 đề ra. Xây dựng thị trấn đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trải qua 25 năm xây dựng, đổi mới, những thành quả đạt được cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa và những bài học kinh nghiệm được đúc rút sẽ là nền tảng vững chắc, tạo đà cho thị trấn Bến Quan tiếp tục vững bước đi lên, giành được nhiều thắng lợi mới.

Phương Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141153