Sức sống 'tuổi đôi mươi'

Vừa chạm đôi mươi, chị Định Thị Mận xung phong vào chiến trận, nếm trải mọi gian khổ, hiểm nguy để 'những chuyến xe bon bon ra chiến trường'. Hòa bình lập lại, bao nhiêu khó khăn, gian khổ của cuộc sống đời thường không thể khiến chị khuất phục. Chị lại xung phong trên mặt trận chống đói nghèo, trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế ở Xuân Vân (Yên Sơn). Ở chị Mận, tinh thần xung phong lúc nào cũng sáng mãi như 'tuổi đôi mươi'.

Sẵn sàng làm bất cứ điều gì Tổ quốc cần”

Tháng 3-1965, Trung ương Đoàn kêu gọi ĐVTN cả nước hưởng ứng phong trào "3 sẵn sàng": sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần. Hòa vào khí thế thi đua yêu nước sôi nổi của thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, người con gái của làng quê Hải Hậu, Nam Định ấy đã tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Nhớ lại ký ức một thời, chị Mận trầm ngâm: “Lúc phát quân tư trang, chị được nhận một ba lô có đầy đủ các đồ dùng thiết yếu chẳng khác nào ba lô của một anh bộ đội. Khi ấy chị biết mình sẽ đi miền trong rồi”.

Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, chị được biên chế về đơn vị C28, Bộ Tư lệnh 559 và cùng đồng đội hành quân vượt rừng núi Trường Sơn để sang đất bạn Lào. “Ngày đi miết, đêm xe được dừng nghỉ vài giờ trong rừng. Trời tối như mực, những cơn mưa rừng bất chợt dội xuống khiến mọi thứ đều trở nên ẩm ướt, trơn trượt, nhất là khi phải mò mẫm trong đêm tối. Nhiều người bị sốt rét vì muỗi đốt, vắt cắn. Có những ngày hành quân ròng rã liên tục 36 tiếng đồng hồ mới được ăn bữa cơm. Nhiệm vụ của đơn vị chị là san lấp hố bom, mở đường Trường Sơn, đường 9 Nam Lào. Ngày làm 3 ca, bắt đầu từ 6 giờ đến 22 giờ đêm mới nghỉ. Giờ nghỉ giữa các ca là khoảng 2 tiếng. Lúc ấy, mọi người vừa phải tranh thủ ăn uống, tắm giặt, vừa phải bẻ lá cây làm chiếu, lấy manh áo phủ làm chăn để nghỉ ngơi" - chị Mận tâm sự.

Mỹ thả bom B52 như rải thảm. Có lần đang mở đường, một đồng đội của chị không may cuốc phải bom bi. Bom nổ, những mảnh bom bắn ra găm vào rất nhiều người đang làm nhiệm vụ gần đó, khiến 3 người hy sinh, một số người bị thương, chị Mận bị thương vào đầu... Gian nguy là thế nhưng những người TNXP ấy vẫn cứ hồn nhiên, vô tư, lạc quan, yêu đời. Họ vẫn hát, vẫn cười, chải tóc cho nhau để át đi tiếng bom, tiếng súng, để vơi đi nỗi nhớ quê nhà với một tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trở về quê hương sau 3 năm cống hiến nơi chiến trường, năm 1976, chị Mận kết duyên cùng cựu TNXP Vũ Văn Cự, mối tình nảy nở từ ngày hai người còn trong đơn vị. Cưới xong, 2 vợ chồng chị nghe theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, lại xung phong rời quê hương ngược lên phía Bắc để đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hai vợ chồng chị dừng chân, dựng tạm căn nhà lá rồi ở lại vùng đất Khuôn Khán, xã Xuân Vân từ đó. Khuôn Khán ngày ấy rất hoang sơ. Nhưng với sức trẻ, sự chịu thương, chịu khó, hai vợ chồng chị Mận đã biến gần 4 ha đất đồi với um tùm lau lách, bụi rậm thành những quả đồi bạt ngàn ngô, sắn, đỗ tương. Cuộc sống của 2 vợ chồng chị cũng được coi là tạm ổn định. Nhưng không may, năm 2005 chồng chị đột ngột qua đời để lại mình chị một nách sáu người con.

Vững vàng trên trận tuyến chống “đói nghèo”

Chúng tôi men theo con đường nhỏ xíu chỉ vừa đủ một bánh xe máy, lạo xạo đầy sỏi, ngoằn nghèo chừng 10 phút mới tới được nhà chị Mận. Ngôi nhà cấp 4 hiện ra thấp thoáng sau những bóng cây xanh mát, nép mình ở lưng chừng đồi. Chị Mận đón chúng tôi với khuôn mặt niềm nở, hiền từ. Trong căn nhà giản dị, có độc chiếc giường với bộ bàn ghế gỗ, câu chuyện thoát nghèo cứ thế được chị trải lòng.

“Chồng chị mất, một mình vừa là cha, vừa là mẹ, vừa làm lụng quần quật để nuôi con. Mỗi sáng, chị bòn nhặt từng mớ rau, nải chuối, gồng gánh ra chợ bán kiếm tiền, mua thức ăn cho cả gia đình sống qua ngày. Cái nghèo cứ thế đeo bám gia đình chị mãi. Sáu người con chỉ có đứa út là được học hết THPT, còn lại đều phải bỏ học giữa chừng. Năm 2005, chị bắt đầu trồng hơn chục gốc bưởi. Ban đầu trồng để ăn, vì bấy giờ bưởi chỉ có 5.000 đồng/quả. Mọi người chưa ưa chuộng loại quả này như bây giờ, thương lái cũng chưa thu mua. Chẳng phụ công người chăm sóc, cây cứ lớn lên xanh tốt, sai trĩu quả. Mỗi năm chị lại nhân ra được vài chục gốc. Phải 10 năm sau, giá bưởi mới tăng lên 18.000 đồng/quả. Thương lái vào tận vườn thu mua. Lần đầu tiên, chị bán vườn bưởi đường được 26 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế mà cây bưởi đem lại, chị tiếp tục nhân rộng vườn bưởi lên hơn 350 cây bưởi các loại gồm bưởi: Đường, Diễn, Cát quế, Da xanh.

Chị Đinh Thị Mận, cựu TNXP xã Xuân Vân (Yên Sơn) bên vườn bưởi trĩu quả.

Chị Đinh Thị Mận, cựu TNXP xã Xuân Vân (Yên Sơn) bên vườn bưởi trĩu quả.

Có thu nhập từ trồng bưởi, chị đầu tư mua bò sinh sản, trồng 30 cây hồng ngâm, trồng chuối tây kết hợp trồng cỏ để nuôi bò. Chị nuôi 50 con gà và 1,5 sào ao đủ để phục vụ cho sinh hoạt. Vừa làm, chị vừa học hỏi kinh nghiệm của mọi người. Chị học họ cách làm thế nào để thụ phấn cho hoa để khi ra quả, quả bưởi to đẹp, cân đối. Chị tìm hiểu xem giống nào ngon, nhiều người thích để tập trung nhân giống, rồi hướng dẫn, vận động 2 con trai cùng làm theo. Chị mua một cặp bò về thực hiện nuôi chia với các con theo hình thức “cho bò trả bê”. Từ cặp bò đầu tiên đến nay, chị đã "nhân" lên được 8 con bò cái. Mô hình kinh tế tổng hợp cho chị thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2016, gia đình chị thoát nghèo. Chị mua được mảnh đất ra phía ngoài gần đường cái, sắp tới sẽ xây ngôi nhà mới để ở.

Chị Mận chăm sóc đàn bò.

Chị Mận chăm sóc đàn bò.

Ông Nguyễn Đình Chi, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Yên Sơn đánh giá, chị Mận là tấm gương sáng về nghị lực và ý chí không cam chịu đói nghèo, là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Chị là người mẹ mẫu mực để các con học tập và noi theo. Hiện nay, anh Vũ Văn Khải, con trai cả của chị đã phát triển vườn bưởi của riêng mình lên trên 1.000 cây bưởi các loại, trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở thôn. Chị Mận còn là Chi hội trưởng Hội Cựu TNXP xã Xuân Vân nhiệt huyết, trách nhiệm.

Từ năm 2011 đến nay, trên cương vị của mình, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực kết nối các hội viên và nhiệt tình trong các phong trào của Hội. Chị Mận đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 2013, Trung ương Hội TNXP Việt Nam đã chứng nhận chị Mận là cựu TNXP tiên tiến làm theo lời Bác.

Phóng sự: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/suc-song-tuoi-doi-muoi-120781.html