Trong quá khứ, T-80 được coi là dòng xe tăng quốc bảo của Liên Xô, loại xe này mang trong mình nhiều đột phá.
Cả Nga và Ukraine đều dựa trên nền tảng xe tăng này để có các bản nâng cấp, trong khi Ukraine là T-84 thì Nga là T-80BVM.
Được biết T-84 Oplot là xe tăng chiến đấu chủ lực do Ukraine sản xuất dựa trên nguyên mẫu T-80UD của Liên Xô.
Dù được đánh giá là dòng xe tăng có năng lực tác chiến tốt, nhưng đáng tiếc là ngân sách eo hẹp khiến cho Ukraine không thể trang bị số lượng lớn, ước tính giá thành của T-84 Oplot vào khoảng 6 triệu USD/chiếc.
Tổng số xe tăng T-84 Oplot hiện có của quân đội Ukraine chỉ vào khoảng trên 10 chiếc.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine từ năm 2014, cho tới thòi điểm đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra vào ngày 24/2, Kiev vẫn không tung dòng xe tăng này vào tham chiến.
Giới phân tích cho rằng, việc Ukraine không cho T-84 Oplot vào tham chiến là để bảo đảm danh tiếng của dòng xe tăng này vốn đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nếu chẳng may xe tăng T-84 Oplot bị bắn hạ dễ dàng trên chiến trường thì đây sẽ là thảm kịch lớn cho ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Ukraine.
Trước đó trong các cuộc thử nghiệm đánh giá độc lập đều cho thấy năng lực tác chiến khá tốt của dòng xe tăng T-84 Oplot, thậm chí chúng còn được đánh giá vượt trội cả T-90A và tương đương với T-90M của Nga.
Điều này có nghĩa là T-84 có thể vượt trội cả phiên bản nâng cấp mới nhất T-80BVM của Nga.
Công bằng mà nói xe tăng do Ukraine phát triển vẫn có điểm mạnh riêng, đặc biệt là động cơ và hệ thống điều điện tử điều khiển hỏa lực.
T-84 Oplot ở phiên bản mới nhất được trang bị động cơ 1.500 mã lực, trong khi đó dòng T-90 của Nga chỉ được trang bị động cơ từ 900-1.100 mã lực.
Việc trang bị động cơ công suất lớn sẽ giúp xe tăng cơ động hơn trên chiến trường.
Tốc độ tối đa của T-84 Oplot là trên 70 km/h, tầm hoạt động khoảng 550 km.
Xe có thể vượt hào rộng 2,85 m, vượt chướng ngại vật cao 1 m, lội nước sâu 5 m.
T-84 Oplot được trang bị hỏa lực pháo nòng trơn 125 mm KBA-3 tích hợp khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng, cơ số đạn 46 viên trong đó có 28 viên ở bộ nạp đạn tự động.
Đi kèm 1 súng máy hạng nặng 12,7 mm được điều khiển từ bên trong xe và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Lớp bảo vệ của xe tăng T-84 Oplot bao gồm giáp phức hợp composite phía trong và giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Nozh (tương tự Relikt) bao bọc bên ngoài.
Bên cạnh đó, xe còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Varta gồm 3 hệ thống con: bộ cảnh báo laser, bộ gây nhiễu hồng ngoại và thiết bị tạo khói.
Đi kèm thiết bị quan sát toàn cảnh với cảm biến nhiệt.
T-84 Oplot có trọng lượng 51 tấn, chiều cao 2,8 mét, trong khi T-90 chỉ 46 tấn và chiều cao chỉ ở mức 2,2 mét.
T-84 Oplot được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Zaslon bao gồm một radar phát hiện một "vật thể" bay đến và khai hỏa một đạn nổ về hướng viên đạn.
Hệ thống Zaslon có thời gian phản ứng chỉ là 1 giây và có hiệu quả chống lại lựu đạn và RPG và ATGM.
Với các thông số như vậy T-84 Oplot có thể coi là "hổ thép" trên chiến trường.
Do tình hình xung đột gần như bế tắc, Kiev gần như phải dốc toàn lực lượng vào đây, đã có một số hình ảnh cho thấy T-84 Oplot đã được điều động tham chiến.