Tác động COVID-19 đến doanh nghiệp và hành động ứng phó (kỳ 1)

TIN LIÊN QUAN

Tác động COVID-19 đến doanh nghiệp và hành động ứng phó (kỳ cuối)

Đại dịch COVID-19 kéo dài một năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng những gì nó đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội được nhìn nhận, lượng giá. Để đối phó với nguy cơ tiềm tàng của dịch COVID-19, không chỉ cần tiếp tục chủ động trong phòng, chống dịch từ các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể mà còn đòi hỏi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng để vượt qua khó khăn khi cơn đại dịch được khống chế.

Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Gia Phát

Chế biến gỗ tại Công ty Hoàng Gia Phát

Tính đến thời điểm hiện nay, dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng có điều chắc chắn rằng, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng. Tất thảy, từ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu hàng hóa, vận tải đến các hoạt động dịch vụ như y tế, giáo dục, lưu trú... và đặc biệt hơn là dịch vụ du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng.

Mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát 2 lần kể từ đầu năm 2020 tới nay tại nhiều địa phương trong nước, song Lâm Đồng chưa phát hiện một ca bệnh dương tính nào bị nhiễm virus Corona chủng mới SARS - Cov-2. Điều này chứng tỏ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Lâm Đồng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chung của cả nước và trên thế giới, sự ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Lâm Đồng là không thể tránh khỏi.

Khảo sát thiệt hại

Như chúng ta biết, chính từ dịch COVID-19 khiến cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, lao động phải tạm ngừng làm việc hoặc làm việc luân phiên. Chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào bị gián đoạn, gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Và trên thực tế, nhiều DN đóng chân tại địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là DN nhỏ và vừa.

Theo Cục Thống kê Lâm Đồng cho biết, trước yêu cầu đòi hỏi cung cấp thông tin kịp thời làm cơ sở để Chính phủ đưa ra những chính sách điều hành phù hợp, ngành Thống kê tỉnh đã triển khai khảo sát nhằm thu thập thông tin của DN bị tác động bởi dịch COVID-19. Đồng thời, qua đó đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, ngành và các địa phương trong thời gian qua.

Trên tinh thần đó, Cục Thống kê Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát 2 lần, lần đầu vào tháng 4/2020 và lần hai vào tháng 9/2020. Theo đánh giá, trong đợt khảo sát thứ nhất, cả tỉnh Lâm Đồng có 1.334 DN tham gia trả lời, chiếm gần 23% tổng số đang hoạt động. Còn ở lần khảo sát thứ hai có 1.841 DN tham gia trả lời, chiếm trên 31% trong tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn Lâm Đồng. Tỷ lệ DN tại Lâm Đồng bị tác động của dịch COVID-19 qua 2 đợt khảo sát lần lượt là 83,73% và 78,68%. Điều này cho thấy, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh này đến cộng đồng DN lớn đến nhường nào.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng

Theo Cục Thống kê, tại thời điểm khảo sát lần 2 thì tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến các DN đã bộc lộ rõ rệt ở khu vực DN FDI - DN có vốn đầu tư nước ngoài, và DN ngoài nhà nước tiếp tục bị tác động mạnh với gần 80%, trong đó DN FDI là 77,27%, còn DN ngoài nhà nước là 78,85%, tăng so với đợt khảo sát lần 1 lần lượt là 6,22% và 9,18%.

Khu vực dịch vụ bị tác động nhiều nhất từ dịch COVID-19 gần 90%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng 81,3%. Trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 69,49%, song quy mô của các DN khu vực này chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ DN đang hoạt động. Nhiều ngành tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, trong đó một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như sản xuất đồ uống 100%, dịch vụ lưu trú và ăn uống 97,39%, còn vận tải là 85%...

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 khi xuất hiện hiện tượng cắt giảm lao động bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Ở đợt dịch lần đầu, phần lớn DN đều cố gắng giữ người lao động, không sa thải, nhưng ở đợt dịch thứ 2 đã có sự biến động về lực lượng lao động. Cụ thể, có 6,67% lao động trong các DN tạm nghỉ việc không lương, tỷ lệ này cao nhất thuộc về các DN có quy mô siêu nhỏ là 8,82%, DN nhỏ là 7,29% và DN ngoài nhà nước là 8,27%. Có 11,75% lao động ở các DN đã thực hiện giãn việc/nghỉ luân phiên và chủ yếu nằm ở DN ngoài nhà nước với gần 14%. Khu vực dịch vụ có tỷ lệ lao động nghỉ việc không lương và giãn việc cao nhất lần lượt là 8,62% và 13,36%, tập trung chủ yếu ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, giáo dục, đào tạo, nghệ thuật, vui chơi, giải trí...

Giảm thu nhập người lao động

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ do dịch COVID-19 tái bùng phát, vì vậy khiến cho nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào để thực hiện hoạt động sản xuất. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng có 1,9% DN thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào. Và việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của DN không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu mà còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, hàng hóa trong nước, nên có 1,5% DN thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào từ trong nước và 2,1% DN thiếu hụt từ nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa đầu vào.

Qua khảo sát, Lâm Đồng có gần 14,71% số lao động hiện có bị giảm lương. Trong đó, DN có quy mô lớn có tỷ lệ cắt giảm lương cao nhất 17,22%, DN siêu nhỏ 15,02%, DN nhỏ 14,28%, DN ngoài nhà nước có tỷ lệ lao động bị cắt giảm lương khá cao 17,2%, DN nhà nước với tỷ lệ 7,11% và khu vực DN FDI có tỷ lệ dưới 3%. Một số ngành có tỷ lệ bị cắt giảm lương cao như: dịch vụ lưu trú 44,82%, sản xuất đồ uống 44,4%, dịch vụ ăn uống 33,86% và vận tải, kho bãi 18,09%.

Ước tính bình quân năm 2020, tỷ lệ sử dụng lao động chỉ bằng xấp xỉ 87% so với năm 2019. Các DN có quy mô nhỏ và quy mô lớn có tỷ lệ sử dụng lao động thấp nhất với lần lượt là 87,87% và 88,3%. Khu vực DN FDI và DN nhà nước có tỷ lệ sử sụng lao động thấp nhất lần lượt là 80,87% và 97,16%.

Với việc cắt giảm lao động đồng nghĩa với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị thu hẹp, quy mô nhỏ lại. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất ra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ đã làm cho doanh thu bị sụt giảm. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, dự kiến số DN được khảo sát doanh thu năm 2020 bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp FDI thấp nhất bằng 91,5%; tập trung ở doanh nghiệp lớn và siêu nhỏ với tỷ lệ lần lượt là 87,9% và 94%. Ngược lại, trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính doanh thu năm 2020 chỉ bằng 82,1% so với năm 2019, trong đó DN quy mô lớn doanh thu bằng 77,5% trong khi DN nhỏ chỉ bằng 73,9% doanh thu cùng kỳ.

DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ DN chịu tác động từ dịch COVID-19 càng lớn. Điều này có thể lý giải rằng các DN này thường là những đơn vị hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Thống kê Tạ Hoàng Vũ cho biết: Cuộc khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thực sự mang tính cấp thiết và DN trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc khảo sát nên tích cực phối hợp với cơ quan thống kê và toàn bộ thông tin cuộc khảo sát này được đánh giá khách quan từ phía DN.

HỒ XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/tac-dong-covid-19-den-doanh-nghiep-va-hanh-dong-ung-pho-ky-1-3041125/