Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
NGUYỄN THÀNH CÔNG (Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) và ThS. ĐÀO THÔNG MINH (Trường Đại học Văn Hiến)
TÓM TẮT:
Nghiên cứu này tập trung phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) đến tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu sử dụng hàm tuyến tính đa biến được tổng hợp từ các nghiên cứu trước và thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp thu thập tại Niên giám thống kê - Cục Thống kê của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Tổng cục Thống kê Việt Nam giai đoạn 2006 - 2017. Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố: vốn vật chất, lực lượng lao động, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở hạ tầng có tác động đến tăng trưởng kinh tế của vùng; kết quả này phù hợp với cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước và tình hình thực tế.
Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, đồng bằng sông Cửu Long.
1. Đặt vấn đề
Phát triển kinh tế là quá trình biến đổi, tăng tiến toàn diện về mọi mặt của nền kinh tế, trong đó bao gồm cả sự lớn lên về quy mô sản lượng và tiến bộ, hoàn thiện về cơ cấu. Sự lớn lên về mặt số lượng và sự biến đổi cơ cấu là 2 mặt không tách rời của quá trình phát triển. Nếu tăng tổng sản phẩm trong nước phản ánh trạng thái tăng trưởng kinh tế thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, kết luận số 28-KL/TW, Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt kế hoạch tổng thể hát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” và nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại bất cập của vùng ĐBSCL, như: kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng; việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng không cao; hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, môi trường ngày càng bị ô nhiễm,... Việc tái cơ cấu nông nghiệp là rất cần thiết đối với vùng ĐBSCL, là thay thế dần diện tích đất sản xuất kém hiệu quả và bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sang các loại cây/ con có hiệu quả kinh tế cao, giảm dần diện tích đất sản xuất lúa và khuyến khích thành lập các vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao. Nghiên cứu này tập trung phân tích, đo lường tác động của CDCCKT đến tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2006 - 2017.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết
Quan điểm của tác giả Hoàng Thị Chỉnh (2005) cho rằng cơ cấu kinh tế là một tổng thể hệ thống kinh tế bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau trong những không gian và thời gian nhất định, trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định, được thể hiện cả về mặt định tính lẫn định lượng, cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với mục tiêu được xác định của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế bao gồm nhiều loại: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế theo thành phần, cơ cấu kinh tế theo vùng lãnh thổ, cơ cấu theo khu vực thể chế, cơ cấu tái sản xuất, cơ cấu thương mại quốc tế. Trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó phản ánh trình độ phân công lao động xã hội, thể hiện trình độ chuyên môn hóa sản xuất của các ngành và của nền kinh tế.
CDCCKT là "quá trình cải biến kinh tế xã hội từ tình trạng lạc hậu, mang nặng tính tự cấp tự túc từng bước vào chuyên môn hóa hợp lý, trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại". Chuyển dịch cơ cấu kinh tế bao gồm việc cải biến kinh tế theo ngành, theo vùng lãnh thổ và cơ cấu các thành phần kinh tế (Lê Du Phong & Nguyễn Thành Độ, 1999). Cơ cấu kinh tế luôn thay đổi theo từng thời kỳ phát triển bởi các yếu tố hợp thành. Đó là sự thay đổi về số lượng các ngành hoặc sự thay đổi về quan hệ tỷ lệ giữa các ngành, các vùng, các thành phần do sự xuất hiện hoặc triệt tiêu của một số ngành.
2.2. Dữ liệu nghiên cứu
Căn cứ trên mô hình nghiên cứu được chọn để phân tích, dữ liệu được thu thập và tổng hợp từ nguồn dữ liệu thứ cấp từ Tổng cục Thống kê (GSO), Niên giám thống kê - Cục Thống kê của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Tổng công ty Điện lực miền Nam trong giai đoạn 2006 - 2017.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện dựa trên các lý thuyết về mối liên hệ giữa CDCCKT và tăng trưởng kinh tế; các công trình nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trước có liên quan. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng với kỹ thuật phân tích hồi quy với tập dữ liệu bảng (Panel Regression); xây dựng hai mô hình hồi quy bội (FEM, REM) và kiểm định các giả thiết nghiên cứu đặt ra nhằm kiểm chứng tác động của CDCCKT đến tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2006 - 2017. Hướng tiếp cận những tác động cố định FEM (Fixed Effects) và những tác động ngẫu nhiên REM (Radom Effects) cũng sẽ được sử dụng để tìm ra mô hình phù hợp nhất cho tập dữ liệu.
3. Mô hình nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu là hàm sản xuất Cobb - Dauglass mở rộng và các biến được tổng hợp từ nghiên cứu trước phù hợp với đặc điểm kinh tế tại địa phương.
Hàm tổng quát có dạng như sau:
LnGDPit = β0i+β1*LnKit+β2*LnLit+β3*AGRIit+β4*POVit+β5*OPENit+β6*ELECit+εit
Trong đó: i = biểu thị 13 tỉnh/ thành vùng ĐBSCL; t = biểu thị thời gian (2006 – 2017); β0 là hằng số biểu thị trình độ công nghệ (yếu tố này không thể đo lường được); βi (i = 1,n) là các hệ số hồi quy cần được ước lượng của mô hình; εit là sai số ngẫu nhiên của mô hình, đại diện cho các nhân tố không được đưa vào mô hình.
4. Kết quả phân tích và diễn giải kết quả 4.1. Phân tích thống kê mô tả các biến trong mô hình
Qua thống kê mô tả các biến trong mô hình cho thấy dữ liệu của các biến tương đối ổn định, không có dữ liệu bất thường (outliers), mức độ tương đồng khá cao nên mẫu nghiên cứu tập trung và phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Sau khi xem xét các biến trong mô hình nghiên cứu thông qua ma trận tương quan và kiểm tra hệ số nhân tử phóng đại phương sai (VIF) cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến.
4.2. Ước lượng và phân tích nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng công cụ phần mềm Stata 13.0 để chạy mô hình hồi quy và kết quả thực nghiệm như sau:
Kết quả kiểm định Hausman (bảng 2) cho thấy Prob.Chi-Square đều nhỏ hơn 0,05, vì vậy bác bỏ giả thuyết H0 và kết luận có sự tương thích khi sử dụng FEM trong mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định phương sai của sai số không đổi (kiểm định White), chỉ số Prob.Chi-Square = 0,000 nhỏ hơn 5% và kết quả kiểm định tự tương quan của sai số (kiểm định Breusch-Godfrey), chỉ số Prob.F = 0,0000 cũng nhỏ hơn 5%. Kết quả này cho thấy mô hình vừa có hiện tượng phương sai của sai số thay đổi vừa có hiện tượng tự tương quan của sai số. Theo Wooldridge (2002), cách khắc phục khi phương sai của sai số thay đổi, hiện tượng tự tương quan của sai số là chọn mô hình hồi quy với phương pháp bình phương bé nhất tổng quát (General Least Square - GLS). Bảng 3 trình bày kết quả hồi quy bằng phương pháp GLS để ước lượng các hệ số hồi quy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố: vốn vật chất, lực lượng lao động, tỷ trọng ngành nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo và lượng điện năng tiêu thụ đã giải thích được tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh/ thành ĐBSCL giai đoạn 2006 - 2017 với hệ số ước lượng đúng như kỳ vọng của nghiên cứu. Trong các điều kiện khác không đổi, khi tăng 1% vốn vật chất làm cho GDP tăng 0,334%; lực lượng lao động tăng 1% làm GDP tăng 0,24%; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu giảm 1% làm cho GDP tăng 0,009%; tỷ hệ hộ nghèo giảm 1% làm thúc đẩy GDP tăng 0,031%; điện năng tiêu thụ tăng 1.000 kWh làm cho GDP tăng 0,0003 đơn vị. Điều này phù hợp với cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ mối quan hệ giữa CDCCKT và tăng trưởng kinh tế; chỉ ra cơ chế tác động của CDCCKT tới tăng trưởng được thực hiện thông qua tương quan tỷ trọng các ngành.
4.4. Đề xuất
Vùng ĐBSCL cần phải chuyển từ nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, tăng quy mô và thâm dụng lao động là chủ yếu sang phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế tri thức. Song song với vấn đề đó, nhiệm vụ hàng đầu, có tính chất quyết định hơn cả đó là phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, hiệu quả và trước hết là cơ cấu ngành kinh tế. Vì vậy, hướng xác định mô hình quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và tăng trưởng kinh tế chính là định hướng đúng quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhằm vào mục tiêu đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng bền vững. Cụ thể như sau:
Ngoài phấn đấu tăng mạnh dịch vụ và công nghiệp, cần nhằm vào mục tiêu tạo ra được một nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao năng suất cây trồng, đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa một cách phổ biến, chứ không đơn thuần là giảm tỷ trọng GDP nông - lâm - thủy sản xuống.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp - phi nông nghiệp: thay đổi cơ bản cơ cấu nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển nhanh các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để thu hút lao động, nâng cao mức sống nhân dân. Nông nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng và phát triển mới về chất. Đối với ngành công nghiệp, cần tập trung hình thành các ngành công nghiệp chế tác sản xuất hàng may mặc, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất, công nghiệp vi sinh, công nghiệp cơ khí,…
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất - phi sản xuất (dịch vụ): phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, trong đó chú trọng các dịch vụ: du lịch, thương mại, dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chuyển giao công nghệ,... theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc quan tâm đến các yếu tố về nguồn nhân lực, về vốn vật chất, vốn đầu tư hay các yếu tố về việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện kết cấu cơ sở hạn tầng cũng rất quan trọng và đáng được quan tâm. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, trước hết là chất lượng, kiến thức của đội ngũ giáo viên trên cơ sở chuẩn hóa; trang bị đủ kiến thức cần thiết đi đôi với việc phát huy tính chủ động, khơi gợi năng lực sáng tạo của học sinh, sinh viên. Từ đó, chất lượng lao động sẽ cải thiện. Phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là điện, nước, giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
5. Kết luận
Nghiên cứu sử dụng tập dữ liệu 13 tỉnh/ thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2006 – 2017, với 156 quan sát, áp dụng mô hình hồi quy bằng phương pháp ước lượng (FEM) đối với biến phụ thuộc tăng trưởng kinh tế, các biến độc lập lần lượt là vốn vật chất, lao động, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, độ mở kinh tế, cơ sở hạ tầng. Kết quả nghiên cứu cho rằng vốn vật chất, lao động, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2006 - 2017. Trong các điều kiện khác không thay đổi, các biến đôc lập của mô hình này giải thích 87,72% sự thay đổi của biến phụ thuộc tăng trưởng kinh tế.
Tài liệu tham khảo: Đinh Phi Hổ (2014), Tác động của chuyển dịch kinh tế đến trình độ phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống, Tạp chí Phát triển Kinh tế, (214), tr. 02 - 14, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Hoàng Thị Chỉnh (2005), Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng phát triển bền vững, đề tài khoa học cấp Bộ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Lê Anh Vũ (2015), Ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế tới phát triển xã hội bền vững ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Lê Du Phong, Nguyễn Thành Độ (1999), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Mai Văn Tân (2014), Nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Thị Cành, 2009. Kinh tế Việt Nam qua các chỉ số phát triển và những tác động của quá trình hội nhập. Tạp chí Phát triển Kinh tế. Trang 11-17.
Trần Thọ Đạt (2002), Determinants of TFP growth in Vietnam in the period 1986- 2000, Survey Report, APO.
Esfahani and Ramirez, 2003. Institutions, infrastructure, and economic growth. Journal of Development Economics 70 (2003) 443 - 477.
Ng, Y. C. và Leung, C. M. (2004), ‘Regional Economic Performance in China: A Panel Data Estimation’, RBC Papers on China, Hong Kong Baptist University, [http://net2.hkbu.edu.hk/~brc/CP200204.PDF, 6/2005].
Wooldridge, J. M, 2002, Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data.Cambridge, Massachusetts: The MIT Press.
IMPACTS OF THE ECONOMIC RESTRUCTURING TO MEKONG DELTA’S ECONOMIC GROWTH
Master. Nguyen Thanh Cong
Ho Chi Minh City College of Industry and Trade
Master. Dao Thong Minh
Van Hien University
ABSTRACT:
This study focuses on analyzing the impact of economic restructuring on the Mekong Delta’s economic growth. This study uses multivariate linear functions which were synthesized from previous studies and based on secondary data sources collected from the Statistical Yearbook of 13 provinces and cities in the Mekong Delta in the period of 2006 – 2017 published by the General Statistics Office of Vietnam. The estimated results of this study reveal physical capital, labor force, agricultural density, poverty rate and infrastructure factors have impacts on the regional economic growth. These results are consistent with the theoretical basis, previous studies and actual situation.
Keywords: Economic restructuring, economic growth, Mekong Delta.