Tác dụng của thuốc chữa đái tháo đường trong điều trị giảm cân

Semaglutide là thuốc điều trị đái tháo đường, nhưng đã được FDA chấp thuận semaglutide dạng tiêm để điều trị thừa cân, béo phì...

1. Tác dụng của thuốc trị giảm cân mới

Semaglutide là thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2. Tháng 4/2021, FDA đã chấp thuận semaglutide dạng tiêm để điều trị thừa cân, cung cấp thêm một phương pháp điều trị hiệu quả cho người thừa cân, béo phì.

Semaglutide bắt chước một loại hormone gọi là glucagon-like peptide-1 (GLP-1), được tiết ra trong ruột và nhắm vào các thụ thể trên khắp cơ thể, bao gồm cả não. Khi ăn, GLP-1 sẽ gửi đến não tín hiệu "Tôi đã no", giúp bạn cảm thấy no sớm hơn, từ đó giúp hạn chế ăn và giảm cân. Cách giảm cân này gần giống với cách chúng ta giảm cân tự nhiên bằng cách hạn chế ăn uống. Do đó, cách chính semaglutide giúp điều trị bệnh béo phì là thông qua hoạt động của nó trong não.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để dùng semaglutide điều trị béo phì. Những người dùng thuốc này là người lớn bị béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30; hoặc thừa cân, với chỉ số BMI lớn hơn 27 kèm theo các vấn đề y tế liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 hoặc tăng cholesterol...

Tác dụng phụ hay gặp của thuốc này là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau dạ dày, viêm ruột, hạ đường huyết. Nguy hiểm nhất là tăng rủi ro phát triển ung thư tuyến giáp C-cell (mặc dù rủi ro này là rất thấp) và viêm tuyến tụy cấp tính.

Người thừa cân béo phì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có kế hoạch giảm cân phù hợp.

Người thừa cân béo phì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có kế hoạch giảm cân phù hợp.

2. Hiểu đúng về cơ thể để có chế độ giảm cân hiệu quả

Không phải ai cũng có thể giảm cân giống nhau. Đơn giản là do cách cơ thể mỗi người hấp thụ thức ăn và chuyển hóa chất dinh dưỡng khác nhau tùy vào giới tính, tuổi tác và gen di truyền. Cụ thể, có người ăn 100g mỡ và hấp thụ vào 50g, trong khi có người ăn cũng 100g mỡ nhưng chỉ hấp thụ 10g. Do lượng hấp thụ khác nhau nên rủi ro tăng cân khác nhau. Có người ăn vào chỉ mất 1 ngày để thức ăn thải ra ngoài trong khi người khác mất 2 ngày. Vì vậy, thời gian lượng đồ ăn ở lại trong hệ tiêu hóa khác nhau dẫn đến hấp thụ khác nhau.

Các bệnh nền cũng sẽ ảnh hưởng đến chế độ hấp thu dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ như bệnh đái tháo đường sẽ tăng rủi ro thừa cân và dễ hấp thụ mỡ vào máu hơn.

Do đó, để biết mình có cần giảm cân hay không, nên thực hiện chế độ giảm cân như thế nào… cách tốt nhất là gặp bác sĩ để được tư vấn về cách giảm cân phù hợp cũng như kết hợp điều trị các bệnh mãn tính (nếu có) sẽ giúp giảm cân hiệu quả hơn.

Cho đến nay, dù đã có nhiều thuốc điều trị tình trạng thừa cân, béo phì, nhưng chế độ ăn và tập thể dục vẫn là cách giảm cân hiệu quả nhất. Lượng calories nạp vào không dư thừa so với lượng calories tiêu hao.

Tập thể dục giúp đốt các calories thừa trong người, tăng lượng cơ bắp và giảm lượng mỡ, giúp tim phổi khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái... Tuy nhiên, người tập cần kiên trì và có tính kỷ luật.

Trong một số trường hợp thừa cân béo phì, kết hợp tập thể dục với thuốc giảm cân (theo chỉ định của bác sĩ) có thể sẽ có lợi hơn trong việc đạt hiệu quả để giảm cân.

Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS

PGS.TS.BS Huynh Wynn Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-thuoc-chua-dai-thao-duong-trong-dieu-tri-giam-can-169230428130956945.htm