Tác giả Phước Bảo: Vỡ òa khi đoạt giải Nhất 'Chuyện của những dòng sông'

Tống Phước Bảo vui mừng khi đoạt giải Nhất cuộc thi 'Chuyện của những dòng sông' với tác phẩm về sông Lòng Tàu. Giải thưởng đánh dấu bước ngoặt của anh trong thể loại bút ký và khai phá thêm hành trình sáng tác.

Cảm xúc của anh khi được xướng tên với giải Nhất của cuộc thi "Chuyện của những dòng sông"?

Đầu tiên, tôi vô cùng bất ngờ. Ban tổ chức đã giữ kín kết quả đến phút cuối cùng nên các tác giả, bao gồm cả tôi, đều không biết gì trước buổi trao giải. Khi các giải thưởng lần lượt được công bố mà không có tên mình, tôi đã chuẩn bị tinh thần có thể sẽ không đạt giải. Nhưng được xướng lên với giải Nhất, cảm xúc của tôi thực sự vỡ òa, niềm vui tràn ngập.

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao giải Nhất cho tác giả Tống Phước Bảo với tác phẩm Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại. Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao giải Nhất cho tác giả Tống Phước Bảo với tác phẩm Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại. Ảnh: Nguyễn Huế

Anh có thể chia sẻ về quá trình sáng tác tác phẩm "Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại"?

Tôi may mắn được tham gia chuyến đi đầu tiên đến Thiềng Liềng do ban tổ chức sắp xếp. Chuyến đi mang đến cho tôi một góc nhìn mới về TPHCM, đặc biệt là về các con sông, trong đó có sông Lòng Tàu. Từ dòng sông nhìn ngược lên thành phố và từ thành phố nhìn xuống dòng sông, tôi nhận thấy vẻ đẹp độc đáo của nơi này.

Đặc biệt, khi đến đảo Thiềng Liềng, tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy một hòn đảo nằm giữa TPHCM nhưng lại rất xa xôi. Ở đó, tôi chứng kiến đời sống của người dân, làm nghề muối truyền thống và cảm nhận được tình cảm chân thành của những con người sống giữa biển nước mênh mông.

Những trải nghiệm này đã khơi gợi trong tôi niềm đam mê tìm hiểu về con sông này. Điều bất ngờ là sông Lòng Tàu còn mang trên mình một sứ mệnh lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Lý do tôi chọn Lòng Tàu vì nhận ra rằng, từ quá khứ, con sông này lưu giữ những trầm tích tạo nên nhiều chiến công anh hùng.

Ngày nay, sông Lòng Tàu tiếp tục nuôi dưỡng nhiều hộ dân sinh sống trên đảo Thiềng Liềng. Nếu nghĩ về muôn con sông đổ ra biển lớn, sông Lòng Tàu như lắng lại vì người Lòng Tàu vẫn đang sinh sống và làm nghề muối thủ công.

Trong bài viết của anh có nhiều hình ảnh đặc sắc, vậy hình ảnh nào truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất?

Tôi nhớ rằng, khi đi trên một con đường ở đảo Thiềng Liềng vào một buổi hoàng hôn, từ đảo nhìn ra phía sông, cảnh hoàng hôn buông xuống thật đẹp, và trên những ruộng muối, người nông dân vẫn còn làm việc.

Đối với tôi, ở sông Lòng Tàu, những người dân ở xóm làm muối sống gắn bó với công việc của mình, kết tinh qua từng hạt muối. Tôi nghĩ rằng đời muối cũng như đời người, họ sẽ hòa quyện vào con sông Lòng Tàu, bám trụ ở đảo Thiềng Liềng để sống một cuộc đời rất tử tế, hào sảng, đúng với tinh thần của những ngày tôi ở Thiềng Liềng. Tôi được mọi người đón nhận, điều đó cũng thể hiện tính cách hào phóng của người miền Nam.

Anh gặp khó khăn gì trong quá trình sáng tác?

Tôi gặp khá nhiều khó khăn vì dữ liệu thu thập trong 2 ngày, 1 đêm ở đây quá nhiều. Tôi phải chắt lọc và tìm lại cảm xúc khi đã trở về. Phải sống lại cảm xúc đó, nhưng rất may mắn là trong hành trình, tôi quay phim, chụp hình rất nhiều.

Khi viết, tôi ngồi xem lại những đoạn phim và hình ảnh đó để khơi lại cảm xúc, chọn lọc những hình ảnh ấn tượng nhất để đưa vào bài viết, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng chữ của ban tổ chức. Dù là 2000 chữ, tôi phải biết chọn lựa câu chuyện để truyền tải hợp lý, chinh phục độc giả và hướng tới điều mà ban giám khảo mong muốn.

Trong tác phẩm của anh có câu: "Sông cũng như đời. Đời sông suy cho cùng cũng là đời người". Vậy "dòng sông" của riêng anh thế nào?

Mỗi người đều có một dòng sông tồn tại trong tâm trí. Tôi đã có vài tác phẩm nói về con sông Cố Giang, và nhận được phản hồi rằng ở Việt Nam không có sông nào tên Cố Giang, chỉ có Tiền Giang, Hậu Giang.

Nhưng tôi nghĩ rằng, hàng triệu người Việt Nam sinh ra từ sông, lớn lên nhờ sông, sống nhờ sông và đôi khi cũng trở về với đất từ sông. Tôi tin rằng mỗi người đều có một con sông trong mình. Sông, như đời người, có những câu chuyện, ký ức, buồn vui, nhưng dù sao đi nữa, mỗi con sông đều để lại phù sa.

Câu chuyện của sông không chỉ là câu chuyện của đời người, của nghề nghiệp, mà còn phản chiếu chính mình trong dòng sông đó. Mỗi người khi viết về dòng sông, tôi nghĩ đó chính là nỗi lòng của họ.

Anh có thể chia sẻ về niềm đam mê viết lách và ý nghĩa của giải Nhất cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" do VietNamNet tổ chức đối với sự nghiệp?

Đây là một giải thưởng đánh dấu một bước tiến mới cho tôi trong lĩnh vực bút ký. Tôi từng viết nhiều về thơ và truyện ngắn, và cũng đã nhận được giải thưởng. Nhưng riêng với bút ký, đây là lần đầu tiên tôi thử sức với một câu chuyện về một mảnh đất, một con sông và nhiều yếu tố khác, điều này là thử thách lớn.

Ở Việt Nam, viết bút ký không dễ, đặc biệt với những người viết chuyên nghiệp. Nhưng có được giải thưởng này, tôi cảm thấy tự tin hơn về con đường văn học này. Nó đánh dấu một chặng đường trong sự nghiệp viết lách của tôi.

Sau 7 năm theo đuổi việc viết, tôi nhận ra mình ngày càng tự tin hơn và nhận thấy rằng, hành trình viết lách luôn đòi hỏi sự đổi mới, khai phá, nhưng đồng thời cũng giúp tôi duy trì ngọn lửa đam mê.

Thùy Linh

Thanh Phi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tac-gia-phuoc-bao-vo-oa-khi-doat-giai-nhat-chuyen-cua-nhung-dong-song-2325916.html