Tái định vị trải nghiệm người tiêu dùng ở sân bay
Với đặc thù là ngành lấy trải nghiệm khách hàng là trọng tâm, việc các sân bay không ngừng cải thiện sản phẩm, dịch vụ sẽ vừa giữ vững vị thế, vừa thu hút khách hàng.
Nhằm đa dạng doanh thu tại sân bay, nhiều đơn vị không ngừng nỗ lực tăng cường giải pháp phát triển du lịch, bán lẻ và tái định vị trải nghiệm người tiêu dùng. Đây là thông tin được cho biết tại các phiên thảo luận trong khuôn khổ The Trinity Forum 2024 - Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đồng đăng cai tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 5/11.
Ông Prashant Gaurav Gupta, Giám đốc thương mại, Công ty TNHH Tư nhân sân bay quốc tế Yamuna (Ấn Độ) chỉ ra rằng, các đơn vị cần hiểu khách hàng là ai và nhu cầu của họ là gì, cũng như nắm bắt thị hiếu của nhóm khách hàng mới nổi để có những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng phù hợp xu hướng trải nghiệm tại sân bay của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm, dịch vụ liên kết từ sân bay tới các điểm đến, hay ứng dụng công nghệ thông minh như AI, thực tế ảo… sẽ giúp doanh nghiệp hướng đến từng nhóm đối tượng khách cụ thể và chinh phục được người tiêu dùng toàn cầu.
Ông Prashant Gaurav Gupta cũng chia sẻ, ngoài những đòi hỏi ngày càng cao về an ninh trật tự sân bay, sản phẩm chất lượng, trải nghiệm số, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, lối sống xanh – sạch…, khách sân bay hiện nay có nhu cầu khám phá những thương hiệu mới. Do đó, các đơn vị có thể thiết kế và quy hoạch sân bay đáp ứng những xu hướng này để gia tăng giá trị hoạt động, cũng như tăng doanh thu.
Đồng quan điểm, ông Jesus Abia, Giám đốc điều hành của L’Oreál Travel Retail khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh, tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng theo chủ nghĩa xê dịch, di chuyển nhiều hơn… và nhất là chú trọng cân bằng cuộc sống giữa gia đình, công việc, cá nhân… Điều này, dẫn đến khách sân bay mong muốn sự thuận tiện và kết nối hơn, bởi sân bay đang dần cho thấy là điểm kết nối toàn cầu trong tương lai.
Mặt khác, thay vì là trạm dừng chân, dần hình thành xu hướng du lịch tại sân bay khi sân bay chính là một điểm đến. Lúc này, khách sân bay đòi hỏi nhiều hơn không gian văn hóa, giải trí, bán lẻ... Khách du lịch cũng dành thời gian ngày càng nhiều ở sân bay, điều này càng kỳ vọng sự kết nối nhất quán giữa sân bay, hãng bay với chuỗi bán lẻ, du lịch… tạo ra sản phẩm, dịch vụ chung.
Vì vậy, sân bay cần trở thành một điểm đến kết nối thương mại, bán lẻ, du lịch đặc trưng với địa phương, đồng thời mang đến những trải nghiệm tương tác, cá nhân hóa… giúp khách hàng thụ hưởng được những giá trị khác biệt. Với đặc thù là ngành lấy trải nghiệm khách hàng là trọng tâm, việc các sân bay không ngừng cải thiện sản phẩm, dịch vụ sẽ vừa giữ vững vị thế, vừa thu hút khách hàng.
Thời gian qua, trên thị trường toàn cầu đã có nhiều đơn vị thử nghiệm cá nhân hóa trên sản phẩm, dịch vụ như bao bì, nhãn mác… hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống… phục vụ tại sân bay. Cùng với đó, nhiều đơn vị “bắt tay” kết nối chuỗi cung ứng, nhất là hệ thống phân phối, bán lẻ, du lịch và cùng đồng hành đưa khách hàng đến với những trải nghiệm không gian trong sân bay.
Liên quan đến tái định vị trải nghiệm người tiêu dùng ở sân bay, ông Glyn Williams, Tổng giám đốc Bán lẻ, sân bay quốc tế Western Sydney cho rằng, sân bay đang hướng đến cung cấp tất cả hoạt động thương mại, bán lẻ, du lịch, ẩm thực, quảng cáo… nhằm đáp ứng kỳ vọng là cửa ngõ cho thế giới trong tương lai. Sân bay là một địa điểm giao thông nên ưu tiên hàng đầu vẫn là làm sao khách hàng di chuyển thuận lợi, tiếp theo là thương mại, du lịch… bằng kết nối thuận lợi tốt với hạ tầng cơ sở vật chất, giao thông xung quanh.
Ở góc địa phương, ông Trương Trung Thành, Phó giám đốc Giải pháp vận hành, sân bay quốc tế Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) cho hay, sân bay quốc tế Long Thành hướng đến là biểu tượng của cam kết nối kết và thúc đẩy tăng trưởng, cũng là dự án được kỳ vọng nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực lẫn quốc tế. Cùng với thiết kế hiện đại, sân bay quốc tế Long Thành cũng mang đậm nét đặc trưng bản địa, văn hóa và con người Việt Nam.
Sân bay quốc tế Long Thành chú trọng yếu tốphát triển bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… đáp ứng tương lai dài hạn, chứ không chỉ tương lai gần. Không chỉ dừng lại ở một sân bay mà sân bay quốc tế Long Thành còn là một không gian kết nối Việt Nam với thế giới, ngược lại cũng là một trong những cửa ngõ để Việt Nam đi ra thế giới.
Theo các chuyên gia, với bối cảnh các phòng chờ tại sân bay hiện nay là một điểm đến mà du khách có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ như mua sắm, ẩm thực, giải trí, trải nghiệm mới…, đây cũng chính là những thị trường ngách mà các đơn vị có thể khai thác để gia tăng doanh thu phi hàng không. Song song đó, số hóa và thương mại hóa, tích hợp các ứng dụng công nghệ trên nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp tăng cường hoạt động cho khách hàng thân thiết, cũng như hướng đến khách hàng tiềm năng.
Việc tái định vị trải nghiệm người tiêu dùng tại sân bay phải nhìn nhận cả xu hướng toàn cầu và nội địa, từ đó thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng nội địa, mang bản sắc địa phương đến khách hàng thông qua những yếu tố văn hóa. Khách hàng luôn thay đổi, nên các đơn vị cần dự báo được xu hướng để tạo ra chương trình chung nâng cao trải nghiệm vừa đảm bảo nhất quán có tính hệ thống, vừa có tính linh hoạt khi thay đổi sản phẩm, dịch vụ, khung giá… phù hợp với xu hướng tiêu dùng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-dinh-vi-trai-nghiem-nguoi-tieu-dung-o-san-bay/352449.html