Tại sao 'ăn miếng trả miếng' Mỹ-Trung lại 'nóng'?

Tại buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2018, dưới góc nhìn chiến lược, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung 'nóng' lên vào thời điểm này xuất phát từ 3 nguyên nhân: Vấn đề nhiệm kỳ; Mỹ muốn gia tăng sức ép với Trung Quốc, không chỉ về thương mại; Mỹ khởi đầu cho chiến lược cạnh tranh Mỹ-Trung trong 10 năm tới.

Ông Trump cho rằng sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực. (Nguồn: Foreign Policy Blogs).

Cân nhắc từ “chiến tranh thương mại” khi nói về các động thái đáp trả của Mỹ và Trung Quốc, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nếu đánh giá các động thái trên mang tính chiến lược thì cần lùi ra xa để nhìn nhận toàn bộ bức tranh.

Đó cũng là cách nhìn để TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra câu hỏi và câu trả lời khác với những thông tin mà truyền thông thời gian qua đăng tải: Tại sao động thái “ăn miếng trả miếng” về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại đột nhiên nóng lên vào thời điểm này và nó có hàm nghĩa gì đối với mỗi bên hay không?

Vấn đề nhiệm kỳ của cả Mỹ và Trung Quốc

Tại Mỹ, cuối năm 2018 là thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Ông Trump đang phải đối mặt với áp lực về thực thi những cam kết đã đưa ra khi tranh cử. Rút khỏi TPP thực hiện được ngay, nhưng cân bằng thương mại với Trung Quốc là một cam kết khó hơn, lớn hơn và chưa đạt được kết quả gì đối với ông Trump.

Tại Trung Quốc, đây là thời điểm được Tổng thống Trump và hệ thống cố vấn của ông xác định tình hình chính trị đã đi vào ổn định. Trung Quốc vừa kết thúc xong các cuộc họp quan trọng nên có thể thực sự quay trở lại với các vấn đề đàm phán quốc tế. Căng thẳng thương mại, từ đó, mới được Mỹ khơi mào.

Mỹ muốn gia tăng sức ép với Trung Quốc, không chỉ về thương mại

Trong cuộc họp giữa lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc vào tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình và ông Trump đã đưa ra kế hoạch 100 ngày với 5 ngành hàng lớn mà Mỹ và Trung Quốc cam kết cùng nhau thực hiện nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, từ đó tới nay, chỉ có 2 trong số 5 ngành hàng đó đạt được kết quả. Đó là ga hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ và thịt bò xuất khẩu từ Mỹ, cho dù số lượng nhập khẩu sang Trung Quốc còn hạn chế. Các vấn đề thương mại khác giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn giẫm chân tại chỗ, khiến thâm hụt thương mại song phương tăng kỷ lục trong năm 2017 (lên tới con số 375 tỷ USD, cao hơn năm 2016 là 360 tỷ USD).

Từ tháng 3, các diễn đàn kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra. Nhân cơ hội này, Mỹ muốn thúc ép Trung Quốc vận hành công bằng hơn với các quốc gia khác về thương mại.

Tổng thống Trump và hệ thống cố vấn đều hiểu bản chất sâu xa trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung là hệ thống tự do hóa thương mại kiểu cũ (dựa trên các nền tảng WTO) đã giúp Trung Quốc được hưởng lợi rất lớn. Trung Quốc đang thúc đẩy một cách tinh vi việc xây dựng các hàng rào phi thuế quan khiến không chỉ Mỹ mà cả EU đều lo ngại.

Đặc biệt, thông qua bản kế hoạch Made in China 2025, Trung Quốc đã dành ưu đãi rất đặc biệt và công khai dành cho nhóm doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh với nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Trong số 10 hệ thống các nhóm chính sách đó, có 7 là ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước và 3 là hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rõ ràng khiến cho Mỹ cảm thấy không hài lòng.

Mỹ nhận thức rõ các chế tài của WTO thực sự không hiệu quả đối với Trung Quốc. Mỹ cần tạo sức ép để các tổ chức quốc tế phải có cách tiếp cận mới, buộc Trung Quốc có cách vận hành công bằng hơn với các quốc gia khác về mặt thương mại, nhất là khi Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO hơn 17 năm.

Sức ép này khiến động thái áp thuế mới của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc lớn hơn vấn đề thương mại đơn thuần.

Chúng ta nhớ lại, trước khi ký một loạt sắc lệnh liên quan đến việc Mỹ có thể gia tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc thì Tổng thống Mỹ Trump đã đưa ra biện pháp thuế mới áp lên nhôm và thép mà chúng ta nghĩ rằng các biện pháp này sẽ “đánh” tất cả các nước. Tuy nhiên sau đó, các đồng minh của Mỹ như EU, Hàn Quốc, Brazil, Australia, Canada, Mexico đã được loại ra khỏi danh sách đánh thuế thép. Trung Quốc vẫn bị giữ lại danh sách.

Câu chuyện này cho thấy, áp thuế mới của Mỹ đối với hàng nhôm thép nói riêng và hàng loạt mặt hàng khác nói chung xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ mang tính tượng trưng, mang mục đích chính trị hơn là kinh tế. Bởi lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm 2% tổng số lượng thép tiêu thụ của nước Mỹ một năm. Và bởi không ai có thể giảm thâm hụt thương mại từ 375 tỷ USD xuống 100 tỷ, thậm chí là 250 tỷ USD trong cán cân thương mại Mỹ-Trung được.

Giống như trường hợp của Mỹ với Nhật Bản cách đây khoảng 30 năm. Vấn đề đầu tiên mà Mỹ đưa ra cũng là Nhật Bản xuất siêu quá lớn vào Mỹ. Nhưng thực chất, Mỹ không phải đòi hỏi về thương mại mà là về tỷ giá đồng Yen: Đồng Yen phải nâng giá lên để không tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng với Mỹ.

Khởi đầu cho chiến lược cạnh tranh Mỹ-Trung trong 10 năm tới

Năm 2017, Mỹ và Trung Quốc đã có một bản ghi nhớ về việc đại diện thương mại của Mỹ tại Trung Quốc sẽ có một năm thu thập bằng chứng từ các doanh nghiệp Mỹ về việc họ bị đối xử bất bình đẳng như thế nào? Quá trình chuyển giao công nghệ cũng như bị ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc ra sao?

Điều mà Mỹ rất quan tâm bây giờ là tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ không có được điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh. Mỹ hiểu rằng nếu cứ để Trung Quốc dựa trên các hệ thống pháp luật mà các hàng rào phi thuế quan méo mó như hiện nay thì sẽ tạo ra một cạnh tranh phi thị trường rất lớn, tạo ưu thế rất lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Chẳng bao lâu, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có tất cả các lợi thế để cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ trong chính những lĩnh vực mà Mỹ ưu tiên. Trường hợp của Đức về hệ thống đường sắt cao tốc là một ví dụ. Trước kia, Trung Quốc nhập khẩu đường sắt cao tốc từ Đức nhưng hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu đường sắt cao tốc gần như mạnh nhất trên thế giới.

Đây cũng là lý do tại sao, các mặt hàng bị Mỹ đánh thuế đối với Trung Quốc đều là những ngành hàng mà Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Mỹ trong tương lai.

Một khởi đầu cho chiến lược cạnh tranh Mỹ-Trung trong 10 năm tới bắt đầu được Tổng thống Trump và hệ thống cố vấn của ông định ra – một cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc trong tương lai chứ không phải thời hiện tại.

Mục đích của Mỹ hướng tới là muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng như thay đổi môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, hơn là chỉ chăm chăm hướng tới việc giảm xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ.

Đó cũng là câu chuyện mà Mỹ muốn xem doanh nghiệp Mỹ trong 10 năm tới sẽ làm ăn ở Trung Quốc như thế nào? Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh trong việc xuất khẩu và chiếm tỷ trọng trong thương mại toàn cầu ra sao?

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/tai-sao-an-mieng-tra-mieng-mytrung-lai-nong-1308.html