Tại sao nam tiếp viên hàng không vi phạm cách ly làm lây dịch COVID-19 bị khởi tố còn vụ BN 17 thì không?
Luật sư Đặng Văn Cường đã có những lý giải vì sao nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - 'Bệnh nhân 1342' vi phạm cách ly làm lây dịch COVID-19 bị khởi tố còn vụ BN 17 thì không?
Trưa 3/12, Công an TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự 'Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người' theo Điều 240 BLHS 2015.
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét khởi tố hình sự. Sự việc gây vi phạm nghiêm trọng trong quy định cách ly.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM thông tin, Quyết định này dựa trên việc diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang rất phức tạp. Ở Việt Nam toàn cấp, toàn ngành đã nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh nhưng BN 1342 thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc cách ly dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy cần phải xử lý rất nghiêm khắc, chế tài về hình sự.
Công an TP.HCM đang tiến hành điều tra, xác minh kỹ lưỡng trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc. Còn việc khởi tố bị can hay chưa, ai là bị can thì cần phải điều tra, làm rõ. Cơ quan đang tiến hành điều tra, song song với việc tuân thủ quy định về mặt cách ly.
Xung quanh những thắc mắc pháp lý trong 2 vụ việc nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342" vi phạm cách ly làm lây lan COVID-19 bị khởi tố, trong khi đó bệnh nhân số 17 - Nguyễn Hồng N. khai báo không trung thực thì không bị khởi tố, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư đặng Xuân Cường, Trưởng ban luật hình sự Công ty Luật TAT Law firm đã chỉ ra điểm khác biệt lớn nhất trong 2 vụ việc này. Đó là thời điểm ra đời của văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, vào ngày 30/3/2020 (tức sau thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nhân số 17) thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành văn bản số 45.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể xác định tội danh theo quy định của Bộ Luật hình sự; Hành vi gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
"Như vậy, xét ở mặt thời điểm thì văn bản này ra đời sau sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhân số 17. Và đó là lý do giải tích tại sao trường hợp của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342" vi phạm cách ly làm lây lan COVID-19 bị khởi tố, trong khi đó bệnh nhân số 17 - Nguyễn Hồng N. khai báo không trung thực thì không bị khởi tố", luật sư Cường thông tin.
Theo luật sư, Tội danh ở điều 240 Bộ Luật hình sự quy định về tội "Lây truyền" mà đối tượng ở đây chủ yếu là động vật, thực vật thế thì trước khi có công văn số 45 là không có cơ sở nào để xử lý hình sự... Trong khi đó bệnh nhân số 17 dù có xác định vi phạm thì là vi phạm ở tháng 2/2020, đến tháng 3/2020 thì TAND Tối cao mới ra văn bản hướng dẫn.
"Đành rằng văn bản công văn số 45 này cũng còn nhiều vấn đề về vấn đề lý luận mà chúng ta sẽ bàn về sau này nhưng mà sau thời điểm văn bản ra đời thì Cơ quan CSĐT, VKS cũng như Tòa án đã có cơ sở về lý luận cũng như là cơ sở mặt chỉ đạo nghiệp vụ để khởi tố điều tra truy tố và xét xử cái hành vi vi phạm này.
Đối với tiếp viên hàng không vi phạm ở thời điểm này là 12/2020 tức là sau khi công văn ra đời và như vậy là có cơ sở đó để người ta khởi tố", luật sư Cường phân tích.