Tài xế Grab tắt ứng dụng, đòi đối thoại với hãng Tại Hà Nội và TP.HCM, hàng trăm tài xế GrabBike đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung để phản đối mức tăng khấu trừ và nhiều chính sách khác của hãng.
Trưa 7/12, hơn 200 tài xế cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác.
Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126.
Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức 1%/năm. Tuy nhiên, các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước. “Nhiều tài xế hiện còn đang vay ngân hàng để mua xe. Mức khấu trừ này khiến chúng tôi rất vất vả, không thỏa đáng với công sức bỏ ra”, anh Tiến (30 tuổi, Nam Định) chia sẻ.
Càng về trưa, số lượng tài xế đi diễu hành càng đông. Tất cả họ đều tắt app và livestream trên mạng.
Các tài xế tập trung các địa điểm như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam… để mong muốn cơ quan truyền thông lên tiếng “đòi” quyền lợi cho tài xế.
Sau đó, đoàn đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm và nhiều tuyến phố lớn, vừa đi vừa bóp còi inh ỏi.
Do số lượng đông lại tổ chức tự phát, các tài xế dàn hàng 5, hàng 6 ra kín đường, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Trước đó, các tài xế cùng nhau quyên góp tiền để mua loa. Họ cũng bẻ cành cây để làm cán treo băng rôn.
Anh Trần Văn Luyến, tài xế đã chạy GrabBike, chia sẻ tài xế vốn đã bị khấu trừ 20% doanh thu với hãng, nay phải nộp thêm thuế VAT sẽ ngày càng khó khăn.
“Ngày 5/12, tôi chạy từ 6h sáng đến 18h được tổng cộng 475.000 đồng, sau khi trừ các loại phí của Grab tôi chỉ còn 333.000 đồng. Trừ thêm 140.000 đồng tiền ăn, xăng xe tôi chỉ còn 190.000 đồng. Với số tiền này làm sao mà sống nổi”, ông An, (57 tuổi, Hà Nam) than thở.
Đến 14h, các tài xế vẫn đang tiếp tục diễu hành tại khu vực Cầu Giấy. Trước đó, các tài xế đã tràn vào trụ sở của Grab tại Hà Nội để đòi quyền lợi nhưng không được giải quyết.
Tại TP.HCM, trước đó vào 9h cùng ngày, các tài xế Grab tập trung tại nhà văn hóa phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) để gặp mặt đại diện hãng, đối thoại về vấn đề tăng phí khấu trừ cho mỗi cuốc xe.
Tài xế GrabBike Huỳnh Tiến Hải cho biết sau mỗi khi có quy định mới anh thấy khá chán nản vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. "Mỗi khi nhận được cuốc xe, hành khách lại thắc mắc về giá cước cao, tôi không biết trả lời ra sao để khách thông cảm", anh Hải chia sẻ.
Tài xế Đào Thành Công, trao đổi với đại điện Grab về việc tăng tỷ lệ khấu trừ, muốn làm rõ về tỷ lệ % thuế VAT mà tài xế phải chịu.
Ông Đặng Văn Hiếu (55 tuổi) tài xế xe ôm công nghệ 2 năm trong nghề, cho biết những ngày này khách hàng giảm nên thu nhập cũng giảm 30-40% so với trước đây. Hai vợ chồng ông Hiếu đều hết tuổi lao động, phụ thuộc vào thu nhập từ tiền chạy GrabBike.
Buổi gặp gỡ này phát sinh do các tài xế tập trung quá đông tại gần văn phòng của Grab tại tòa nhà VivoCity (quận 7). Các tài xế cũng chờ đợi 2 tiếng để có thể gặp được đại diện hãng.
Khoảng 13h, buổi gặp gỡ kết thúc, những khúc mắc về khấu trừ tăng vẫn chưa được giải quyết. Với chính sách mới này của Grab, cả khách hàng và tài xế đều chịu thiệt.
Ngày 5/12, Nghị định 126 có hiệu lực thi hành quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Số tiền khấu trừ của Grab trên mỗi cuốc xe gồm tiền hoa hồng cho hãng, tiền thuế VAT 10% và tiền thuế thu nhập cá nhân cho tài xế là 1,5%. Theo đó, tỷ lệ khấu đã gộp tiền thuế và tiền hoa hồng cho hãng tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841%.
Để bù lại mức thuế VAT tăng, Grab ra thông báo điều chỉnh tăng giá cước GrabBike cơ bản trên toàn quốc ở mức 6%. Giá cước hiện tại của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Grab cho biết việc tăng cước để bù vào mức tăng thuế, sẽ tác động giảm thu nhập của tài xế GrabBike khoảng 1%/năm.
Tài xế Grab nản vì hãng lại tăng phí khấu trừ Mức điều chỉnh tăng khấu trừ và tăng giá cước cơ bản khiến nhiều tài xế Grab tại TP.HCM bức xúc, nản lòng. Trong khi đó, người dùng đòi đổi ứng dụng khác vì giá cước quá cao.
Việt Hùng - Duy Hiệu - Thanh Thương