Talkshow: Luật sư góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc Tọa đàm cùng Th.S, Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink về chuyện nghề của các luật sư cũng như yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của Luật sư.

Ekip thực hiện Chương trình tặng hoa cảm ơn các Luật sư tham gia Tọa đàm

Ekip thực hiện Chương trình tặng hoa cảm ơn các Luật sư tham gia Tọa đàm

Xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp

Theo Th.S, Luật sư Đào Ngọc Lý và Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Luật Luật sư đã trải qua 17 năm đi vào thực tiễn, đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của Luật sư trong giai đoạn hiện nay là điều cần bổ sung vào Luật Luật sư (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

PV: Vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của Luật sư trong hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ra sao thưa Luật sư Nguyễn Đức Mạnh?

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh: Vai trò của Luật sư được quy định tại Điều 3, Luật Luật sư 2006 là hoạt động nghề nghiệp nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong các lĩnh vực của cuộc sống hiện nay, Luật sư tham gia tố tụng đại diện tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ tư vấn pháp luật khác giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chính xác, công bằng tránh những oan sai trong các vụ án.

Không chỉ vậy, Luật sư tham gia trong lĩnh vực tư vấn kinh tế như giúp các doanh nghiệp Việt Nam về cấu trúc, pháp lý hạn chế tối rủi ro tranh chấp, thiệt hại nhằm đưa các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh

Vai trò, trách nhiệm của Luật sư trong hệ thống pháp luật là xây dựng chính sách, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giúp người dân nâng cao nhận thức, thượng tôn pháp luật, xây dựng pháp luật giúp cho hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn; đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền; đấu tranh với các thế lực thù địch; tuyên truyền các hoạt động đúng đắn; tu dưỡng đạo đức, trau dồi chuyên môn để tạo niềm tin trong nhân dân. Thể hiện đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị trong quá trình hành nghề cũng chính là đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Hiện nay, có thực trạng là có cá nhân, tổ chức không phải là Luật sư nhưng cung cấp dịch vụ như Luật sư vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, hai Luật sư đánh giá như thế nào về việc này, cũng như giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng trên?

Th.S, Luật sư Đào Ngọc Lý: Thực trạng đáng buồn hiện nay là sự mạo danh Luật sư, tổ chức tư vấn luật trên các trang mạng xã hội điều này không chỉ gây tổn hại tài sản người dân, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự xã hội mà còn tác động nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của Luật sư và các Công ty luật.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh: Tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến của Luật sư Đào Ngọc Lý ngoài ra ý kiến về các giải pháp xử lý sự mạo danh các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư: Thứ nhất nên xây dựng đơn vị quản lý nhà nước chuyên trách xử lý vi phạm công nghệ cao, tập hợp các chuyên gia phần mềm để có các giải pháp tổng thể để xử lý.

Vấn đề thứ hai nên hợp tác với cơ quan thẩm quyền ở quốc gia khác xử lý những tội phạm ở nước ngoài. Vấn đề thứ 3 đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức góp phần đẩy mạnh tình trạng lừa đảo trên không gian mạng nói chung.

 Luật sư Nguyễn Đức Mạnh (ngoài cùng bên trái), Luật sư Đào Ngọc Lý (thứ 2 từ trái sang) cùng trao đổi về vai trò, vị trí, công việc của Luật sư

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh (ngoài cùng bên trái), Luật sư Đào Ngọc Lý (thứ 2 từ trái sang) cùng trao đổi về vai trò, vị trí, công việc của Luật sư

PV: Sau 17 năm thực hiện, Luật Luật sư 2006 đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Luật sư phát triển. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề Luật sư. Theo Luật sư Đào Ngọc Lý - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ông có góp ý gì trong Dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi thưa ông?

Th.S, Luật sư Đào Ngọc Lý: Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, rất tiếc là từ khi có Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đến nay, Luật sư tập sự đã không được quyền tham gia tố tụng như trước nữa và Luật Luật sư năm 2006 đã đổi tên thành “người tập sự hành nghề Luật sư”.

Điều này không hề phát huy được yếu tố tích cực trong việc phát triển đội ngũ Luật sư mà ngược lại, gây nhiều hạn chế và bất cập trong thực tiễn.

Luật sư Đào Ngọc Lý

Luật sư Đào Ngọc Lý

Ví dụ, có những chuyên gia pháp lý đang là đại diện ủy quyền cho một cá nhân hoặc tổ chức nào đó, nếu chuyên gia ấy sau quá trình học tập rèn luyện trở thành “người tập sự hành nghề Luật sư” và cá nhân hoặc tổ chức nêu trên trở thành khách hàng thì việc ủy quyền này lại không thể tiếp tục được nữa, phải bị chấm dứt vì đã vi phạm Luật Luật sư (mặc dù bất kỳ công dân nào, kể cả người không có kiến thức pháp lý cũng đều được phép nhận ủy quyền, trừ trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật).

Chính vì vậy, cần phải sửa đổi nội dung này trong Luật Luật sư (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi.

PV: Trước xu thế vận động của xã hội hiện đại, hai Luật sư đã và đang đặt những kỳ vọng gì tại Luật Luật sư (sửa đổi)?

Th.S, Luật sư Đào Ngọc Lý: Thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, trong xu thế chung hội nhập thế giới, Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng như các Luật sư mong muốn các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo Luật Luật sư lắng nghe, chọn lọc ý kiến của đông đảo Luật sư trên toàn quốc, nhằm hoàn thiện Luật Luật sư là công cụ hữu hiệu để mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm hoạt động đúng hướng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của hoạt động hành nghề Luật sư.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh: Tôi kỳ vọng rằng, Luật Luật sư (sửa đổi) sẽ tạo môi trường quản lý, giám sát lành mạnh, rõ ràng, cụ thể, tạo không gian công bằng cho Luật sư hành nghề; thúc đẩy sự phát triển của Luật sư trong nước và vươn tầm luật sư quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; chuẩn hóa hình thức, phạm vi hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển, đồng thời bảo đảm phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam; nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề.

PV: Nhân Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam lần thứ 79 (10/10/1945- 10/10/2024), Báo Pháp luật Việt Nam xin kính chúc Luật sư Đào Ngọc Lý, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh cũng như các Luật sư trong toàn quốc giữ vững tâm sáng, lòng trong, chí thép, giữ vững tinh thần hăng say trong sự nghiệp bảo vệ kỷ cương, pháp luật, công bằng và bình an trong toàn xã hội, mãi mãi là điểm tựa công lý vững chắc cho mọi người, mọi nhà!

Hoàng Yến – Nghĩa Dũng – Vũ Quang – Anh Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/talkshow-luat-su-gop-phan-bao-ve-cong-ly-phat-trien-kinh-te-va-xay-dung-xa-hoi-cong-bang-dan-chu-van-minh-post528153.html