Tắm đồng mùa nước nổi
Mùa nước nổi hàng năm không chỉ đem về nguồn sản vật thiên nhiên phong phú cho người dân miền Tây, mà những thú vui gắn liền với con nước cũng hấp dẫn không kém. Tắm đồng là một trong những 'đặc sản' phải kể đến, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng háo hức. Ở vùng đầu nguồn và những nơi xả lũ, cánh đồng nước mỗi buổi chiều nhờ vậy nhộn nhịp hẳn lên.
Men theo đường đê, những đồng nước lênh láng hiện ra choáng ngợp. Nước vào đồng ruộng đạt đỉnh điểm thì chựng lại, phù sa lắng xuống chỉ còn một màu trong vắt. Cảnh quê yên bình và trong lành thu hút người dân chiều chiều ra hóng mát, tận hưởng hương đồng, gió nội.
Cảnh người lớn, trẻ nhỏ đèo nhau trên xe nối dài cũng đủ thấy xôm! Có nơi nước dâng cao, xóa nhòa mọi ranh giới, “nhận chìm” cả đường đê, chỉ còn mấy bụi cỏ giúp nhận diện lối đi. Nhiều người rủ nhau chèo xuồng dạo chơi, ngắm hoàng hôn, chụp hình “check-in” đủ kiểu, rồi nhập cuộc tắm đồng - trò vui nhất của mùa này.
Giữa đồng nước mênh mông, mạnh ai nấy nhảy đùng, bơi tung tăng, té nước… nô đùa náo nhiệt đến nỗi… lật xuồng. Thế lại càng vui! Có người nói, tắm đồng là một chuyến trở về với tuổi thơ. Dù sống giữa đồng bằng, nhưng không phải ai cũng được trải nghiệm. Chỉ những nơi đồng rộng, nước sâu thì tắm mới thỏa thích.
Với những thế hệ đã từng có “tuổi thơ dữ dội” ở vùng quê, nhắc đến mùa nước nổi, mỗi người gói gọn một kỷ niệm riêng đầy ắp những niềm vui. Trong ký ức của anh Nguyễn Phước Trung (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), đó là những buổi tụm năm, tụm bảy với lũ trẻ trong xóm chèo xuồng ra đồng câu cá, bắt chuột. Khi lúa hè thu vừa cắt xong, trong lòng tụi trẻ con cũng bắt đầu khấp khởi chờ đợi để được thấy con nước ùa về. Cảm giác ngóng trông rồi chính thức vào “mùa tắm đồng” còn vui hơn cả việc được ba mẹ thưởng cho món ăn ngon hay bộ đồ mới.
Khung trời riêng của những lứa bạn đồng niên ngày ấy là những buổi tan học trở về quăng vội cặp sách và chạy ù ra đồng. Ngoài tận hưởng làn nước mát, còn có rất nhiều trò chơi đi kèm, như: Bắt cá, đua bè bằng thân chuối, chia phe chiến đấu với vũ khí là trái gáo, sình đất… Quanh đồng còn có trái cà na, trái bần, bông điên điển… Mùa nước lên, chiều chiều rảo một vòng xuồng ba lá quanh bờ cũng gom được nhiều món ăn chơi.
Năm nay, gò Ba Gia (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đón nước lũ theo chu kỳ “2 năm, 5 vụ”, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy liền rủ bạn bè ở thành phố về chơi. Chị cho biết, tắm đồng là một trong những thú vui không thể thiếu của người dân nông thôn mỗi khi đến mùa nước nổi. Nhưng từ khi có đê bao khép kín thì thú vui này thưa dần theo lịch xả lũ của từng tiểu vùng, phải đợi 2 năm mới có vụ xả đê. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà mọi người quên đi thú vui đặc biệt gắn liền với tuổi thơ, trái lại họ càng háo hức chờ đợi đến dịp xả đê để được tắm đồng thỏa thích.
“Không phân biệt độ tuổi nào, trẻ nhỏ tắm đồng để được tung tăng bơi lội, tận hưởng niềm vui ở quê đúng nghĩa, còn người lớn tắm đồng để tìm về ký ức một thời. Với những người xa quê, hay khách tỉnh ngoài chưa từng biết đến mùa nước nổi, thì những trải nghiệm này là tour du lịch “0 đồng” thú vị” - chị Thủy chia sẻ.
Những đồng nước ở đầu nguồn của TX. Tân Châu, mỗi nơi tắm đồng không chỉ có dân địa phương, mà khách từ các xã lân cận, thậm chí từ huyện khác cũng tìm về vui chơi. Bắt nhịp rất nhạy bén, các gánh hàng nước giải khát, áo phao, bánh kẹo… tập kết nhộn nhịp. Trên bờ, dưới nước đều náo nhiệt đông vui. Có người thích thú vùng vẫy trong nước, cũng có người chỉ đến và bình thản ngắm cảnh xung quanh, như đang được xem lại thước phim tuổi thơ của chính mình.
Sống và làm việc ở thành phố, đã hơn 20 năm chị Ngọc Hoa mới có dịp về quê tắm đồng. “Được hôm trời đẹp, cả nhà rủ nhau ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu, quả thật không gì vui bằng. Đã lên xuồng thì người lớn cũng như trẻ con đều chung một cảm giác háo hức. Nói là tắm, chứ thực ra tắm chẳng bao nhiêu, mà chủ yếu là dạo chơi, hái rau muống, bắt cá, mò ốc, thăm dớn… để quên đi những mệt nhọc và cảm nhận cuộc sống yên bình, giản dị” - chị tâm sự.
Những dịp như thế này, người lớn lại có cơ hội khoe về những thú vui “hồi xửa, hồi xưa”, ánh mắt long lanh niềm tự hào, bởi đâu phải ai cũng từng có được như thế. Thời chưa thực hiện đê bao ngăn lũ, năm nào nước lên, người dân cũng tắm đồng cho thỏa thích.
Nước trong đồng không có dòng chảy, có nơi ngập cao nhưng vẫn an toàn cho trẻ tập bơi. Riêng chuyện này cũng có nhiều cách để phụ huynh trang bị phụ kiện. Từ đóng bình nhựa, dùng ruột xe bơm căng hơi, cho đến sử dụng thân cây chuối, bập dừa… Có cả chiêu người lớn dụ con nít cho "chuồn chuồn cắn rốn" để biết bơi, và nhiều đứa trẻ ngây thơ vẫn tin răm rắp.
Chỉ vài tháng ngắn ngủi, năm nào mùa nước nổi cũng được người ta nhắc đến với những câu chuyện nối dài không hết. Trong đó, có chuyện buồn vui mưu sinh theo con nước, nhớ về thời “cá tôm đầy đồng”, thưởng thức những đặc sản thiên nhiên ban tặng. Trong đó, còn có cả những tấm vé để trở về tuổi thơ của nhiều thế hệ, mà bây giờ phải vài năm mới có dịp tận hưởng một lần.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-dong-mua-nuoc-noi-a379649.html