Tầm nhìn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành 'quận công nghệ cao' của Hà Nội
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, với cách tiếp cận, tầm nhìn 'Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị hành chính thứ 31 của thành phố Hà Nội', đơn vị này cần được trao thẩm quyền quản lý nhà nước trọn vẹn, bảo đảm các điều kiện về giao thông, y tế, giáo dục…
Phấn đấu hết năm 2024 hoàn thành giải phóng mặt bằng
Tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao (CNC) tại Khu CNC Hòa Lạc chiều 10/5, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, Vinaconex là nhà đầu tư hạ tầng Khu CNC Hòa lạc từ nhiều năm nay. Ông đề nghị Thành phố và Ban Quản lý quan tâm đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Khu CNC Hòa Lạc FPT (Đại diện Tập đoàn FPT) cho hay, đơn vị về Khu CNC Hòa Lạc từ năm 2007, hiện tại đang triển khai 3 dự án, quy mô khoảng 10ha với khoảng 15.000 nhân lực công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Lộc đề xuất 6 nội dung, trong đó liên quan đến giải phóng mặt bằng; giá và cơ chế cho thuê đất; cơ chế quản lý và ưu đãi về đất đai (theo Nghị định 74, nghiên cứu sửa đổi nghị định này làm sao để chuyển tiếp được các chính sách); xây dựng hạ tầng xã hội ở Khu CNC; xem xét cải tiến rút gọn quy trình đăng ký đầu tư cho một số nhóm, ngành đặc biệt như chip và bán dẫn…; xây dựng hệ sinh thái cho mảng chip và bán dẫn, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất…
Trả lời về vấn đề giải phóng mặt bằng, bà Trần Ngọc Hà, Giám đốc Ban quy hoạch, xây dựng và môi trường, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu CNC Hòa Lạc là 1.451/1.586 ha, đạt 91,5%. Trong đó, huyện Quốc Oai 147 ha; huyện Thạch Thất 1.304 ha. Diện tích còn lại cần GPMB là khoảng 135 ha, trong đó, huyện Thạch Thất khoảng 126,3 ha và huyện Quốc Oai 8,7 ha. Theo kế hoạch, huyện Thạch Thất và Quốc Oai sẽ hoàn thiện công tác bồi thường, bàn giao 135 ha mặt bằng còn lại cho Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2024.
Hiện nay, UBND Thành phố đang xem xét, phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường GPMB diện tích còn lại của Khu CNC Hòa Lạc trên địa bàn huyện Quốc Oai, và tiếp tục bố trí vốn ngân sách của Thành phố để huyện Thạch Thất và Quốc Oai hoàn thành GPMB diện tích còn lại của Khu CNC Hòa Lạc.
Liên quan đến phát triển, đầu tư nhà ở trong Khu CNC Hòa Lạc, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trong quy hoạch đã dành ra quỹ đất khoảng 75 ha (chiếm 7,46% diện tích) để xây dựng nhà ở lưu trú cho chuyên gia và người lao động.
Về chính sách, theo các quy định đề cập ở Luật Thủ đô, việc xây dựng nhà lưu trú cho chuyên gia và người lao động sẽ sử dụng ngân sách và kêu gọi đầu tư. Đối với việc cân đối quỹ xây dựng, trong trường hợp chưa đáp ứng được quỹ đất và diện tích nhà để phục vụ cho đội ngũ này, Thành phố đã chỉ đạo trong quá trình quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc sẽ tiếp tục dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Hiện Khu CNC Hòa Lạc đã quy hoạch 6 phân khu, từ phân khu 3 đến phân khu 6 sẽ tiếp tục dành quỹ đất cho nhà ở. Những cơ chế này đã được đưa vào Luật Thủ đô để tạo nguồn lực sau này.
Đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết, công tác GPMB luôn được huyện quan tâm, huyện đã giải phóng được 31 ha mặt bằng và còn 45 ha đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong quý 3. Trong thời gian tới, sẽ cố gắng cho công tác này, làm cuốn chiếu đến đâu hết sạch đến đó.
Phát triển CNC thì phải có nguồn điện ổn định
Cũng tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp đã nêu một số kiến nghị liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực và việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng như chất lượng sóng viễn thông, hệ thống điện, đường, thoát nước…
Liên quan đến các vấn đề này, đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, do còn một số vướng mắc về GPMB nên một số hạng mục về cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Thành phố đã có nguồn ngân sách cho các hạng mục, một số công trình sẽ khởi công vào cuối năm 2024 và sẽ hoàn thành vào năm 2026. Một số doanh nghiệp đầu tư tại đây như Vinaconex cam kết sẽ triển khai đầu tư kết nối, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngay khi được Ban Quản lý bàn giao mặt bằng sạch.
Về ý kiến liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, trong Khu CNC Hòa Lạc đã có trường Đại học FPT, trường Đại học Quốc gia đã đưa nhiều hoạt động giáo dục lên đây, và có thêm 2 trường đại học nữa chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây chính là nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ban Quản lý cũng đã ký hợp đồng đào tạo với các Đại học và nhận đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới đây, Ban Quản lý mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để có những kế hoạch đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong Khu CNC.
Trao đổi với lãnh đạo Thành phố, một số doanh nghiệp đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc chỉ đạo và phối hợp các ban ngành liên quan để có giải pháp ngăn ngừa, xử lý dứt điểm nguyên nhân sự cố, đảm bảo chất lượng điện áp cung cấp cho doanh nghiệp.
Theo đó, đại điện cho EVN Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, việc đảm bảo cung cấp điện cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng và các phụ tải khác trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, luôn được EVN Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, EVN Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, trong đó giải pháp về quản lý kỹ thuật vận hành, đầu tư cải tạo, phát triển nguồn lưới điện theo quy hoạch điện là các giải pháp trọng tâm để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ sinh hoạt của nhân dân, phục vụ sản xuất và phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của Thủ đô Hà Nội.
3 năm vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng EVN Hà Nội đã bố trí, thu xếp đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhiều công trình điện, điển hình như: Xây dựng mới đường dây và trạm biến áp 110kV CNC2; xây dựng mới các xuất tuyến 22kV để khai thác tải từ các trạm biến áp 110kV tại khu vực. Tuy nhiên, do nhu cầu về điện của các doanh nghiệp lớn, nguồn cung ứng có khi chưa được đảm bảo, dẫn đến thiếu điện và các sự cố về điện.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sự quan trọng của chất lượng nguồn điện cho doanh nghiệp CNC.
“Càng phát triển CNC, thì càng phải có nguồn điện ổn định và chất lượng. Từ thực tế trao đổi với các đơn vị, doanh nghiệp CNC, chíp bán dẫn thì điều cần nhất là điện và nguồn nhân lực. Điện lực không vượt trội, không đi trước thì sẽ không giữ chân được doanh nghiệp trong lĩnh vực này ”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị EVN Hà Nội và các sở liên quan cần có chiến lược cụ thể, ưu tiên nguồn lực để đảm bảo điện cho các doanh nghiệp CNC, có cơ chế và đơn giá thông thoáng.
Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 vấn đề lớn liên quan đến Hà Nội, gồm dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thông tin thêm về 2 quy hoạch lớn của Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nội dung này. “Những khát vọng phát triển của Thủ đô nằm trong hai quy hoạch, còn nguồn lực, thẩm quyền, cơ chế, chính sách thực hiện các quy hoạch sẽ nằm trong Luật Thủ đô”, Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Nhấn mạnh những vấn đề cụ thể rút ra sau hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, đầu tiên vẫn là thể chế dành cho Khu CNC Hòa Lạc. Trong đó, UBND Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC để giải quyết những vấn đề cốt lõi trong hoạt động của Khu CNC Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, với cách tiếp cận, tầm nhìn “Khu CNC Hòa Lạc là đơn vị hành chính thứ 31 của thành phố Hà Nội”, đơn vị này cần được trao thẩm quyền quản lý nhà nước trọn vẹn, bảo đảm các điều kiện về giao thông, y tế, giáo dục… chứ không đơn thuần xác định đây là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố. Từ cách tiếp cận đó, tháo gỡ căn cơ các khó khăn, vướng mắc hiện hữu.
“Cần tiếp cận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ góc độ là một quận CNC của Thành phố”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã thực hiện nghi thức ký kết và trao đổi thỏa thuận hợp tác.
Đồng thời diễn ra nghi thức trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.