Tầm nhìn mới cho đô thị biển miền Trung
Theo PGS.TS Trần Minh Tùng, thời gian gần đây, các đô thị ven biển miền Trung đã cho thấy một số thay đổi trong chiến lược phát triển để trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Dưới đây là bài viết của PGS.TS Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Từ trước đến nay và kể cả trong tương lai, thế giới chưa bao giờ phủ nhận sức hấp dẫn đặc biệt của những đô thị biển. Đến nay, khoảng hơn 60% số đô thị lớn với hơn 50% dân số của nước ta tập trung ở vùng ven biển và đã có những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế đất nước. Không gian dân cư duyên hải và hệ thống thành phố ven biển hiện tại trở thành một yếu tố quan trọng trong tổ chức không gian đô thị. Vì vậy, kinh tế biển luôn được nhắc đến trong chiến lược tăng trưởng quốc gia.
Thay đổi tư duy tiếp cận để vươn ra biển lớn
Phần lớn các đô thị trung tâm, đầu não về kinh tế, tài chính, du lịch lớn trên thế giới đều nằm cạnh biển, trên đảo và luôn chú trọng đến những lợi ích từ biển ngay từ khâu quy hoạch, tổ chức phát triển không gian. Các quốc gia phát triển đột phá hiện nay chủ yếu là các quốc gia ven biển hay quốc đảo đều có các chiến lược khai thác biển, đại dương hiệu quả, táo bạo và đầy tham vọng.
Tại Việt Nam, các đô thị ven biển ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng về quy mô, gắn với mở rộng hoạt động du lịch, tăng tích tụ công nghiệp và dân số để hình thành nên vùng động lực phát triển kinh tế biển. Trong số đó, quan trọng nhất phải kể đến các thành phố “đầu tàu” như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Hạ Long (Quảng Ninh)... gắn với du lịch và dịch vụ; Hải Phòng gắn với cảng và khu công nghiệp ven biển; Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) gắn với khai thác và dịch vụ dầu khí…
Để phát triển theo những định hướng đã đề ra, trong thời gian gần đây, các đô thị ven biển miền Trung đã cho thấy một số thay đổi trong quan điểm và chiến lược phát triển thông qua việc chú trọng hơn vào đầu tư hạ tầng (cao tốc, đường sắt tốc độ cao); khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu lưu trú chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Nha Trang - hướng đến mô hình đô thị biển vươn tầm quốc tế
Trong số các đô thị duyên hải miền Trung, Nha Trang luôn được xem là một điểm đến “đặc biệt” bởi ít có địa phương sở hữu đường bờ biển đẹp, kết hợp cùng nhiều con sông giàu trầm tích văn hóa, có nhiều dư địa phát triển như thành phố này. Theo định hướng phát triển, TP. Nha Trang sẽ hướng đến đô thị thông minh bản sắc ngang tầm khu vực châu Á, là đô thị biển thu hút khách và có môi trường đáng sống, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nổi bật lên gần đây là sự xuất hiện của Libera Nha Trang - đô thị biển ngay nội đô TP. Nha Trang (nằm trên đường Trần Phú kéo dài), quy mô lên tới 44ha, với 3 bãi biển cùng hàng loạt tiện ích độc đáo, kiến tạo một điểm đến mới đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng tầm du lịch Nha Trang khởi sắc tương lai.
Dự án này đã cho thấy một công thức phát triển các khu vực đô thị của các thành phố ven biển dựa trên sự khai thác tối đa ba trụ cột quan trọng gắn liền với biển:
Thứ nhất là mô hình căn hộ biển đa chức năng có thể sử dụng cho mục đích cá nhân của chủ sở hữu hoặc kinh doanh cho thuê ngắn ngày giúp gia tăng lợi nhuận cho người mua, gắn với việc khai thác tối đa những điều kiện tự nhiên và khí hậu nhiệt đới biển đặc trưng của vùng miền.
Thứ hai là tạo ra các không gian văn hóa và nghệ thuật dựa trên những giá trị văn hóa biển bản địa, đặc thù và mang tính di sản của các địa phương.
Thứ ba là tích hợp các hoạt động vui chơi và giải trí tiện nghi, hiện đại dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên và cơ sở hạ tầng nhân tạo, nhằm mang đến những trải nghiệm mới cho cả du khách lẫn chính người dân bản địa.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm trở lại đây, Nha Trang được du khách trong nước và quốc tế biết đến như một điểm đến hấp dẫn với nhiều khu lưu trú, khu vui chơi giải trí cao cấp và nhiều dịch vụ độc đáo, hấp dẫn gắn liền với biển. Bên cạnh đó, các dự án phát triển các khu đô thị mới cũng được thành phố này chú trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như thu hút những cư dân mới đến sinh sống và đầu tư, tham gia phát triển kinh tế địa phương.
Với những mô hình đột phá trong phát triển không gian, kết hợp cùng đòn bẩy hạ tầng siêu kết nối với cao tốc HCM - Nha Trang chỉ 4 tiếng (sau 30/4/2024), tàu siêu tốc trong tương lai chỉ 2 tiếng, sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì trong một tương lai không xa, Nha Trang khổng chỉ là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam mà còn sẽ có những chuyển mình quan trọng để vươn ra biển lớn, tiếp cận thế giới một cách đúng nghĩa.
PGS.TS Trần Minh Tùng (Đại học Xây dựng Hà Nội)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tam-nhin-moi-cho-do-thi-bien-mien-trung-2263832.html