Tâm sự xúc động của sinh viên khoác áo lính tăng cường cho tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang
16h chiều nhận lệnh hành quân gấp, đúng 18h nhóm sinh viên gồm những học viên lớp DH50A và DH50B của Học viện Quân y (HVQY) có mặt tại điểm tập kết với tư trang đầy đủ, sẵn sàng lên đường tham gia công tác cứu trợ ở Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất hiện nay. Vài ngày sau, HVQY tiếp tục cử thêm học viên tới Bắc Ninh nhằm góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh của cả nước.
Ngủ 2 tiếng, xử lý 10.000 mẫu bệnh phẩm một ngày
Vũ Thanh Sơn (học viên K50, HVQY) ít có cơ hội tham gia các hoạt động tình nguyện, chuyến xe chở tốp sinh viên lên Bắc Ninh đã đánh dấu trải nghiệm đầu tiên làm tình nguyện viên của Sơn cũng như các bạn khác. Lúc này, một nhóm người trẻ đang háo hức, chờ đợi được góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch của cả nước.
Tuy nhiên, lao vào tâm dịch là một lựa chọn nguy hiểm và nhiều thử thách, Sơn chia sẻ về nỗi lo trước mắt: “Nếu dịch bệnh kéo dài quá lâu thì mình sẽ phải lùi lại lịch học, lịch thi, có thể sẽ phải tốt nghiệp muộn hơn dự kiến.” Nhưng không vì thế mà ngăn được tinh thần xông pha của Sơn, cậu vẫn lên đường với tâm thế điềm tĩnh: “Trước ngày nhận lệnh lên Bắc Giang tham gia phòng dịch, bản thân mình và các đồng chí khác trong đội đều đã được huấn luyện rất kỹ về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh nên tất cả mọi người đều rất sẵn sàng lên đường hoàn thành nhiệm vụ.”
Đến Bắc Giang, xe chở thẳng các học viên tới Trường Quân sự Quân đoàn 2. Tại đây, nhóm học viên chia ra thành hai bộ phận. Bộ phận đầu lấy mẫu bệnh phẩm của người dân rồi chuyển tới bộ phận làm trong phòng thí nghiệm thực hiện nhiệm vụ phân tích, xác định mẫu bệnh phẩm dương tính hay âm tính.
Sơn được xếp vào nhóm học viên làm việc trong phòng thí nghiệm. Những ngày gần đây, số ca nhiễm ở Bắc Giang liên tục tăng, đồng nghĩa với việc Sơn cùng các đồng đội phải gắng hết sức để xử lý lượng lớn bệnh phẩm được gửi đến. Sơn chia sẻ: “Qua một tuần làm việc thì khó khăn lớn nhất với mình đó là lịch làm việc cả ngày lẫn đêm, trung bình mỗi ngày phải xử lý khoảng 10.000 mẫu bệnh phẩm và có những đêm mình chỉ có 2 giờ để ngủ.”
Giống với Sơn, Phạm Hùng Cường (học viên lớp DH50A) cũng trong đoàn tình nguyện của HVQY tới hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở Bắc Giang, chia sẻ về lần đầu tới tâm dịch: “Trước đó, mình chỉ biết tình hình nơi tuyến đầu chống dịch qua sách báo, TV, đây là lần đầu tiên mình thử công việc này nên cảm giác rất háo hức, không biết sợ là gì.”
Sau một đêm dài làm việc ở phòng thí nghiệm, xử lý hàng nghìn mẫu bệnh phẩm, Cường vẫn vui vẻ kể chuyện với chất giọng thấy rõ sự lạc quan: “Khi trường thông báo danh sách các thành viên đi cứu trợ, ai được đi thì vui lắm. Nhiều người ở nhà còn viết đơn xin đi nhưng không được vì lớp vẫn cần một phần học viên ở lại để giữ gìn trật tự đơn vị, không thể để đơn vị trống được.”
Cường được phân công làm nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm, tuy không mất sức vì nắng nóng nhưng cũng có những khó khăn nhất định.
Cường chia sẻ: “Chúng mình bị căng thẳng đầu óc vì công việc yêu cầu các thao tác kỹ thuật phải chính xác, cần sự tập trung cao độ. Nếu kết quả xét nghiệm sai thì sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Ca trực của bộ phận làm ngoài trời thường kéo dài từ 2 - 2h30/ngày nhưng bộ phận mình làm liên tục từ 8 - 10 tiếng/ngày. Những ngày đầu chưa quen, có hôm phải làm ca đêm, nhịp sinh học bị đảo lộn một chút nhưng qua mấy ngày thì cũng quen dần.”
“Nhưng dù mệt mỏi thế nào, các học viên vẫn nhiệt huyết, hăng hái, không kêu than, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi được hỏi muốn chống dịch tiếp hay muốn về, tất cả đều đồng thanh trả lời: “Ở lại chống dịch tiếp, khi nào hết dịch thì về.” Cường tự hào kể lại. Tình đồng đội giúp Sơn, Cường và các đồng đội luôn lạc quan, vững tin tiến về phía trước để đương đầu với mọi khó khăn nơi tuyến đầu chống dịch.
Kiên cường trên mặt trận chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Bắc Ninh, HVQY tiếp tục chi viện thêm cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên và học viên để tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID- 19. Đoàn Hữu Duy (học viên lớp DH50B) cùng đồng đội của mình rất vinh dự khi được góp sức trong nhiệm vụ lần này. Gác lại những nỗi niềm riêng để làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Những sinh viên tình nguyện phải tạm xa gia đình, “gác bút nghiên” lên đường vào trận chiến.
Ngay sau khi đến Bắc Ninh vào, đoàn của Duy đã lập tức bắt tay vào làm việc. Tâm thế các học viên luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ vì đã được tập huấn kỹ càng, được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng. Dù biết sẽ tiếp xúc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chàng trai ấy vẫn luôn giữ vững tinh thần, động viên mọi người cùng nhau cố gắng. Chia sẻ về quyết định lên đường vào tâm dịch, Duy cho biết gia đình hoàn toàn ủng hộ, đây là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn đối với bản thân.
Cũng bởi vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Duy và đồng đội của mình đã phải ngày đêm vất vả lấy mẫu xét nghiệm. Nam sinh này đã từng ngất xỉu vì mệt quá, áp lực không chỉ đến từ công việc đòi hỏi sự tập trung mà còn đến từ việc luôn mang trên người bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Sau đó, Duy nhanh chóng được các bác sỹ tiến hành sơ cứu, tiếp nước, cởi bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi và truyền nước. Thế nhưng, cũng chỉ nghỉ ngơi vài tiếng để lấy lại sức, Duy tiếp tục quay trở lại công việc, khẩn trương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Nhìn lại hình ảnh của mình được chụp lại, Duy xúc động kể: “ Khi mình tỉnh lại sau say nóng và nhìn lại các hình ảnh mà mọi người chụp, mình rất xúc động. Mọi người đều lo lắng, thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu cho mình trong đó có các thầy các anh chị bác sĩ, điều dưỡng, các đồng chí đồng đội. Thực sự làm mình cảm giác mọi người là một gia đình”
Trong những ngày thực hiện nhiệm vụ ở Bắc Giang, Cường vẫn theo dõi các đồng đội cũng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ở Bắc Ninh. Nhận được hình ảnh đồng đội vì làm việc kiệt sức mà ngất, Cường chia sẻ: “Thấy cảnh đó, mình rất cảm động và cũng đau lòng nữa.” Không chỉ riêng Duy, chứng kiến các y bác sĩ ngất xỉu do phải mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ để lấy mẫu xét nghiệm COVID - 19 giữa trời nắng cộng với cường độ làm việc cao được lan truyền trên mạng xã hội khiến người xem không khỏi xót xa.
Sống chung trong hoàn cảnh dịch bệnh, nguy hiểm luôn cận kề thế nhưng chính tình cảm của những con người nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng, đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch. “Hàng ngày rất nhiều đồ ăn được người dân gửi đến cho bọn mình, bên trong còn có những tờ giấy viết tay gửi những lời chúc và tình cảm của họ trong đó.” Các học viên xúc động kể lại.
Làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng và sự khốc liệt của cuộc chiến chống “giặc” COVID - 19 đã làm cho họ mệt mỏi nhưng vì sức khỏe nhân dân và lòng quyết tâm cùng cả nước chống dịch, họ không khuất phục, tiếp tục đứng dậy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình.