Tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số trong giáo dục

Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), đã chỉ ra những nội dung quan trọng trong chuyển đổi số (CÐS) để cải thiện chất lượng giáo dục và giúp học sinh có hành trang bước vào kỷ nguyên số.

- Thưa ông, trong năm học mới 2024-2025 này, CÐS trong môi trường giáo dục sẽ có những nội dung gì cần chú trọng?

Ông Lê Hoàng Dự: CÐS trong ngành GD&ÐT hiện nay không chỉ là xu hướng mà còn là một phần thiết yếu để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý và giảng dạy. Trong năm học mới này sẽ ứng dụng nhiều mô hình và cách làm nổi bật.

Thứ nhất là ứng dụng Hệ thống quản lý học tập (LMS). Các trường học đang triển khai hệ thống quản lý học tập như Moodle, Canvas, Blackboard để quản lý khóa học, bài giảng và theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Thứ hai là giảng dạy và học tập trực tuyến, sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom để tổ chức các lớp học từ xa. Thứ ba là sử dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa học tập, phân tích dữ liệu lớn để đánh giá hiệu suất học tập. Thứ tư là phát triển nội dung số và tài liệu học tập nhằm tạo ra các nội dung học tập số hóa như video, bài giảng trực tuyến và sách giáo khoa điện tử. Qua đó, cung cấp tài liệu học tập đa dạng và phong phú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động và dễ hiểu hơn. Thứ năm là đào tạo và phát triển kỹ năng số, tức là tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho giáo viên và học sinh nhằm nâng cao khả năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Cuối cùng là ứng dụng công nghệ vào quản lý hành chính, sử dụng phần mềm quản lý hành chính để số hóa quá trình quản lý tài liệu, hồ sơ học sinh và quản lý tài chính.

Chúng tôi cũng phối hợp với VNPT, Viettel... tổ chức triển khai các phần mềm trực tuyến về quản lý học sinh, quản lý điểm, quản lý công chức, viên chức, quản lý cơ sở vật chất, hồ sơ sổ sách...; trang bị phần mềm quản lý ngân hàng câu trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm (Intest, Mark test) đến 100% trường THCS, THPT trong toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm để các nhà trường khai thác sử dụng phục vụ cho kiểm tra, thi.

Học sinh thực hành các thao tác trên máy tính để nộp bài kiểm tra và tra cứu điểm số cũng như thông tin học tại trường.

Học sinh thực hành các thao tác trên máy tính để nộp bài kiểm tra và tra cứu điểm số cũng như thông tin học tại trường.

- Ðược biết, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện Ðề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CÐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Ðề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CÐS quốc gia giai đoạn 2022-2025”, đến nay đã có kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Dự: Sau 2 năm triển khai, ngành GD&ÐT đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CÐS trong GD&ÐT: 100% cơ sở giáo dục có kết nối Internet, các trường phổ thông hiện nay sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến chủ yếu trên các nền tảng miễn phí như Zoom, Goolge Meet, Microsoft Team...; rà soát nhu cầu và đầu tư mua sắm bổ sung máy vi tính, tivi, màn hình tương tác thông minh... để từng bước đáp ứng cơ bản yêu cầu dạy và học trong nhà trường.

Sở GD&ÐT đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện dạy học trực tuyến theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDÐT, ngày 30/3/2021, của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của mỗi trường. Giáo dục STEM được triển khai thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) với nhiều chủ đề khác nhau thuộc các lĩnh vực rô bốt, năng lượng tái tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao...

Mỗi năm tỉnh Cà Mau có 60 đề tài dự án thi KHKT dành cho học sinh trung học ở vòng chung khảo cấp tỉnh, với sự tham gia của 150 học sinh, 20 trường THPT, 30 trường THCS thuộc Phòng GD&ÐT huyện, TP Cà Mau. Số dự án KHKT học sinh đã thực hiện trong 2 năm học: 325; số dự án dự thi KHKT vòng chung khảo cấp tỉnh: 118.

Hiện 100% cơ sở giáo dục phổ thông đang sử dụng hệ thống phần mềm quản lý nhà trường (Smas, vnEdu, Vietshool) và một số phần mềm nghiệp vụ khác hỗ trợ quản lý; 100% cơ sở giáo dục áp dụng các tiêu chí CÐS trong quản trị cơ sở giáo dục từ mức độ cơ bản trở lên; triển khai hướng dẫn 100% các cơ sở giáo dục phổ thông chuyển đổi các loại sổ điện tử trong nhà trường và ký số theo quy định, đã có trên 90% các sở giáo dục công lập trang bị chữ ký số cho giáo viên để ký sổ điện tử trong nhà trường, qua đó, thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.

Dữ liệu giáo viên, học sinh được cập nhật và xác thực trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành theo Ðề án 06, trong đó tỷ lệ xác thực định danh của giáo viên đạt 97,25%, học sinh đạt 96,1%, cơ bản đáp ứng việc kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai hệ thống Ioffice đến tất cả các đơn vị trực thuộc, đảm bảo trên 97% các văn bản gửi nhận bằng văn bản điện tử (trừ văn bản mật theo quy định). Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông cũng đã từng bước triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản trong hoạt động chuyên môn để đồng bộ với mục tiêu số hóa theo chỉ đạo của Sở GD&ÐT.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau đủ điều kiện triển khai: 84/84, đạt 100%, trong đó có 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 44 dịch vụ công trực tuyến một phần. Người học, phụ huynh khá hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau, tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt trên 95%.

Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực. Triển khai bồi dưỡng thường xuyên hằng năm và lồng ghép bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho hơn 13.192 lượt đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số. Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; triển khai bồi dưỡng và thực hiện tuyển dụng, đảm bảo tất cả các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh có đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng CNTT và CÐS...

Ngay từ khi bước vào năm nhất, các bạn sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng Cà Mau đã bắt đầu học trên máy tính và các thiết bị điện tử thay vì tập sách truyền thống.

Ngay từ khi bước vào năm nhất, các bạn sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng Cà Mau đã bắt đầu học trên máy tính và các thiết bị điện tử thay vì tập sách truyền thống.

- Ðể thực hiện hiệu quả CÐS trong ngành giáo dục, xin ông cho biết định hướng của ngành trong thời gian tới như thế nào?

Ông Lê Hoàng Dự: Chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu CÐS, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn. Song song đó là xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý giáo dục đồng bộ và kết nối để tối ưu hóa việc quản lý thông tin và dữ liệu. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên về kỹ năng CNTT và phương pháp giảng dạy trực tuyến để nâng cao hiệu quả dạy học. Ðưa các môn học và hoạt động về CNTT vào chương trình giáo dục để trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết trong thời đại số. Phát triển và triển khai các chính sách bảo mật thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân của học sinh, giáo viên trong môi trường số. Tăng cường nhận thức về an ninh mạng bằng cách tuyên truyền về an ninh mạng cho toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ðồng thời, huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào quá trình CÐS trong giáo dục thông qua các dự án hợp tác công tư. Phát triển nội dung giáo dục số nhằm xây dựng và cung cấp các tài liệu học tập, khóa học trực tuyến phong phú và chất lượng cao. Ðổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, tương tác và tích cực để thu hút sự tham gia của học sinh. Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để cải thiện hiệu quả quản lý giáo dục và cá nhân hóa việc học cho học sinh, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm tạo môi trường khuyến khích giáo viên và học sinh sáng tạo, thử nghiệm các phương pháp và công nghệ mới trong giảng dạy và học tập.

Bằng việc thực hiện các giải pháp này, ngành giáo dục Cà Mau có thể tận dụng tối đa cơ hội từ CÐS, cải thiện chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Thắm thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tan-dung-co-hoi-tu-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-a35122.html