Tân Hợp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và phát triển sản xuất của nhân dân, xã Tân Hợp (Mộc Châu) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 22%, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Nhân dân bản Pơ Nang, xã Tân Hợp nhận giống xoài ghép hỗ trợ theo Chương trình 135.

Nhân dân bản Pơ Nang, xã Tân Hợp nhận giống xoài ghép hỗ trợ theo Chương trình 135.

Ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng bản. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi trồng cây ăn quả chất lượng cao thay thế các cây lương thực kém hiệu quả trên nương, phát triển chăn nuôi gia súc và nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hội viên là hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; hiện, tổng dư nợ 42 tỷ đồng, với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả ở bản Nà Mường, Nà Sánh, Sam Kha; mô hình nuôi cá lồng ở bản Sao Tua; chăn nuôi gia súc tại bản Lúng Mú, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, hơn 3 năm qua, diện tích cây ăn quả của xã đã phát triển lên trên 500 ha, gồm nhãn, cam, bưởi da xanh, chuối... trong đó, một số diện tích đã cho thu hoạch, nhiều hộ có thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi, trọng tâm là chăn nuôi đại gia súc được quan tâm; nhằm khai thác tốt lợi thế, xã đã vận động nhân dân chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, nuôi nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ, phòng chống dịch bệnh; hiện, toàn xã có trên 6.000 con trâu, bò.

Hộ ông Mùi Duy Phương, bản Sam Kha, là một trong những hộ điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với hơn 3 ha đất sản xuất, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển gần 2 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, trong đó có gần 1 ha trồng cam Vinh đang chuẩn bị cho thu hoạch và 1 ha trồng chanh leo; ngoài ra, gia đình ông còn nuôi hơn chục con bò thịt, từ mô hình này trung bình mỗi năm gia đình ông thu gần 300 triệu đồng. Ông Phương cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu là trồng ngô nhưng năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, sau khi được chính quyền xã tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cây ăn quả và mua giống bò. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định và đang dự tính sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích đất còn lại sang trồng cây ăn quả có múi.

Thời gian tới, để giúp nhân dân tiếp tục phát triển kinh tế, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách về vay vốn ưu đãi, vận động bà con mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 15%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 22 triệu đồng/năm.

A Trứ (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tan-hop-day-manh-chuyen-doi-co-cau-kinh-te-25249