TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy 13 quyết định của chính quyền trong một vụ án hành chính
Trong bản án hành chính sơ thẩm (lần 2) số 03/2019/HCST ngày 24/10/2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên hủy hàng loạt các quyết định (QĐ) quan trọng của UBND tỉnh Hòa Bình. Vụ án hành chính liên quan đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) của bà Đinh Thị Tỵ kéo dài suốt 16 đang dần đi đến một kết thúc có hậu.
Tuyên hủy quyết định của Chủ tịch tỉnh
Đây có thể coi là một sự “dũng cảm” của TAND tỉnh Hòa Bình trong phiên xét xử sơ thẩm lần 2, vụ án hành chính của bà Đinh Thị Tỵ (SN 1957), ở thôn Đồng Danh, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bà Tỵ đã phải mất 16 năm ròng rã đi tìm công lý cho vụ việc GPMB, thu hồi đất của gia đình để phục vụ cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia.
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ việc ngày 10/12/2002, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Lạc Thủy thực hiện việc kiểm đếm, đất đai tài sản của hộ bà Đinh Thị Tỵ phục vụ cho việc thi công đường Hồ Chí Minh. Ngày 31/12/2005, UBND huyện Lạc Thủy ban hành quyết định thu hồi 1008,1m2 của hộ bà Tỵ, trong đó có 400m2 đất ở, sau đó là các Quyết định phê duyệt dự toán đền bù GPMB…
Cho rằng diện tích đền bù bị thiếu, xác định không đúng vị trí, không đúng loại đất, tài sản cây cối hoa màu kiểm điếm bị thiếu… bà Tỵ khiếu nại. UBND huyện Lạc Thủy đã có các quyết định 119 ngày 5/4/2005, quyết định 218 ngày 7/8/2016; quyết định 488 ngày 25/9/2007; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định số 2010 ngày 10/10/2005, quyết định 641 ngày 27/3/2007; quyết định 1026 ngày 8/6/2009 giải quyết khiếu nại.
Tuy nhiên, càng đưa ra các quyết định giải quyết khiếu nại thì UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lạc Thủy càng vô lý và gây ra những sai phạm trong vụ việc của gia đình bà Tỵ. Cực chẳng đã, vào ngày 22/02/2017, sau 15 năm theo đuổi bà Tỵ đã khởi kiện các quyết định của Chủ tịch tỉnh Hòa Bình ra TAND tỉnh Hòa Bình. Trong bản án hành chính sơ thẩm lần 1 số 02/2018/HCST ngày 16/4/2018, do có nhiều thiếu sót trong việc giải quyết vụ án, TAND Cấp cao đã tuyên hủy và yêu cầu xử lại.
Trong bản án hành chính sơ thẩm lần 2 số 03/2019/HCST ngày 24/10/2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã tích cực sửa sai khi tuyên hủy 13 quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lạc Thủy. Trong đó, Quyết định 1026/QĐ–UBND ngày 08/06/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chính là mấu chốt của vụ án.
Lý do tuyên hủy quyết định này được nêu trong bản án sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Hòa Bình nhận định rằng: “Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 25/9/2007, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy giải quyết 4 nội dung khiếu nại của bà Tỵ, Báo cáo số 276 của Sở TN & MT tỉnh xác minh giải quyết 4 nội dung yêu cầu khiếu nại của bà Tỵ, nhưng QĐ số 1026 mới giải quyết 02/04 nội dung là còn thiếu nội dung khiếu nại”.
Theo đó, TAND tỉnh Hòa Bình cũng đã hủy bỏ một loạt các quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình có liên quan đến QĐ 1026. Cụ thể, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 18/6/2004; Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 10/10/2005; Quyết định 641/QĐ-UBND ngày 27/3/2007.
Điển hình, tại bản án, khi xem xét Quyết định 641/QĐ-UBND ngày 27/3/2007, TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ rõ: “QĐ số 119, QĐ số 2010 giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 của Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đều thừa nhận việc hộ bà Tỵ kiểm đếm cây còn thiếu, QĐ số 218 của Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy thừa nhận hộ bà Tỵ còn thiếu đất bị thu hồi là có cơ sở.Tuy nhiên QĐ số 641 của Chủ tịch UBND tỉnh không thừa nhận nội dung khiếu nại của bà Tỵ thiếu đất là chưa phù hợp với biên bản làm việc của Tổ công tác hiện trường 22/11/2006 nêu trên. Việc bà Tỵ khởi kiện diện tích đất bị thu hồi còn thiếu là có cơ sở”.
Không chỉ dừng lại ở đó, TAND tỉnh Hòa Bình cũng đã tuyên hủy 3 quyết định của UBND huyện Lạc Thủy có liên quan đến QĐ 1026/QĐ-UBND. Cụ thể, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 05/4/2005; Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 07/08/2006; Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 25/9/2007.
Công lý được thực thi
Đặc biệt, trong phiên xét sử sơ thẩm lần 2 này, quyền lợi của gia đình bà Đinh Thị Tỵ đã phần nào được đảm bảo, khi TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy một phần các quyết đinh thu hồi đất và phương án bồi thường của UBND tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 18/06/2007; Quyết định số 3351/QĐ-UBND ngày 12/12/2006; Quyết định 1985/QĐ-UBND ngày 11/9/2009.
Trong đó, bản án nêu rõ: “Đối chiếu với các văn bản hướng dẫn về trình tự thu hồi đất nêu trên, việc UBND huyện Lạc Thủy lập biên bản thu hồi đất trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, kiểm kê tài sản trên đất chủ hộ chưa ký; UBND tỉnh ban hành quyết định 1091 phê duyệt bồi thường trước khi có quyết định thu hồi đất là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật”.
Hủy một phần các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Lạc Thủy có liên quan đến hộ bà Đinh Thị Tỵ. Chúng bao gồm: Quyết định số 150/QD-UBND ngày 31/12/2005; Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 01/11/2006 (thay thế quyết đinh số 150/QĐ-UBND ngày 31/12/2005.
Liên quan đến nội dung này, TAND tỉnh Hòa Bình lập luận đanh thép: “Theo QĐ số 150 thì hộ bà Đinh Thị Tỵ bị thu hồi 1008,1m. Theo hồ sơ phương án kiểm kê tài sản, diện tích đất đo đạc hộ bà Đinh Thị Tỵ là 5.269,9 m2. Tại biên bản kiểm kê tổng hợp hộ gia đình bà Đinh Thị Ty, ngày 10/12/2002 do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lạc Thủy cung cấp cho Tòa án, gia đình bà Đinh Thị Tỵ đang sử dụng diện tích đất 2,685 m, (GCNQSDĐ được cấp 4.177m2).
Theo biên bản làm việc ngày 22/11/2006 của tổ công tác GPMG (xác định hộ bà Đinh Thị Tỵ còn thiếu diện tích đất 118, 8m2); theo đó, QĐ số 218 của UBND huyện Lạc Thủy giải quyết khiếu nại lần 1 thừa nhận hộ bà Đinh Thị Ty còn thiếu đất bị thu hồi; QĐ 2010 giải quyết khiếu nại QĐ số 218 công nhận kiểm kê cây cối hoa màu còn thiếu. Biên bản làm việc ngày 29/4/2008 của Sở TN&MT, đại diện UBND huyện Lạc Thủy, UBND xã Phú Thành, bà Đinh Thị Ty; đã kết luận hộ bà Đinh Thị Tỵ bị thiếu 164,4m2 đất; xác định vị trí thửa đất hộ bà Tỵ giáp quốc lộ 21A, giáp ranh thị trấn Thanh Hà huyện Kim Bôi, giáp đường НСМ.
Như vậy, QĐ số 218, QĐ 2010 giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 và biên bản làm việc của tổ công tác GPMB đưởng HCM, đoàn công tác của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đều thừa nhận hộ gia đình bà Đinh Thị Tỳ kiểm kê tài sản còn thiếu, dẫn đến thiếu đất bị thu hồi. Việc bà Đinh Thị Tỵ khiếu nại nội dung này là có cơ sở”.
Không chỉ sai ở nội dung ở các biên bản thu hồi đất, UBND huyện Lạc Thủy còn vi phạm cả trình tự thu hồi đất đối với diện tích của gia đình nhà bà Tỵ:
“Đối chiếu với các văn bản hướng dẫn về trình tự thu hồi đất nêu trên, việc UBND huyện Lạc Thủy lập biên bản thu hồi đất trước khi ban hành quyết định thu hồi đất; kiểm kê tài sản trên đất chủ hộ chưa ký. Nhưng Hội đồng GPMB huyện Lạc Thủy đã thực hiện việc thu hồi đất là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Do đó ý kiến của người khởi kiện về trình tự thu hồi đất chưa đúng với văn bản số 1705/TC-QLG ngày 24/12/2004 của Sở tài chính, chủ hộ chưa ký biên bản kiểm kê tổng hợp là đúng”, TAND tỉnh Hòa Bình khẳng định.
Đáng chú ý, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên hủy biên bản kiểm đếm, đất đai tài sản hộ bà Đinh Thị Tỵ ngày 10/12/2002 của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lạc Thủy.
Lý do được nêu rất rõ trong bản án như sau: “Căn cứ vào Biên bản làm việc ngày 29/4/2008 do Sở TN&MT chủ trì có đại diện UBND huyện Lạc Thủy, UBND xã Phú Thành, bà Đinh Thị Tỵ. Tại phiên đối thoại, các thành phần trong đoàn công tác đã thừa nhận do thiếu sót của HĐGPMB nên chủ hộ bị ảnh hưởng (gia đình bà Tỵ) chưa ký phương án đền bù.
Như vậy, việc lập hồ sơ phương án đền bù không phải do chủ hộ tự kê khai, Hội đồng GPMB kiểm tra, lập biên bản niêm yết công khai như hướng dẫn tại văn bản số 1075/TC-QLG ngày 24/12/2004 của Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình. Do đó, bà Tỵ khởi kiện nội dung này là có cơ sở chấp nhận”.
Tại bản án cũng chỉ ra rằng, theo báo cáo số 276/BC-STNMT ngày 12/9/2008 của Sở TN và MT tỉnh Hòa Bình, cho thấy: "Nội dung khiếu nại từ năm 2002 đến năm 2004 chưa có cán bộ về đo đạc đất. Nội dung này được báo cáo số 276 thừa nhận là có cơ sở". Cụ thể, theo bà Tỵ, lần đầu tiên Hội đồng GPMB trực tiếp xuống nhà bà để đo đạc, kiểm tra lập bên bản kiểm đếm đất đai, tài sản là ngày 18/1/2005, chứ không phải vào thời điểm năm 2002.
Liên quan đến nội dung khiếu kiện được bồi thường một loại đất: đất ở của bà Đinh Thị Tỵ, trong bản án sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, theo GCNQSD đất cấp năm 2001, thì hộ bà Đinh Thị Tỵ được cấp diện tích 4.177m2, trong đó đất ở 400m2, đất vườn 3777m2. QĐ số 150 có ghi thu hồi 400m2 đất ở, 608,1m2 đất vườn. Đối với diện tích đất vườn gia đình bà Tỵ khai hoang từ tháng 6 năm 1979, và nộp thuế cho nhà nước. Gia đình bà Tỵ có đơn xin cấp đổi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất là 1 loại đất ở. Ngày 10/8/2012 bà Tỵ đã được UBND cấp xã xác nhận nhưng do UBND xã làm mất hồ sơ gốc nên chưa được thực hiện việc cấp mới.
"Căn cứ khoản 1, 2 điều 87 Luật đất đai năm 2013, khoản 1, 2 Điều 45 Nghị định 181/NĐ - CP ngày 29/10/2004 quy định khi nhà nước thu hồi đất sử dụng từ trước ngày 18/12/1980 thì được đền bù tính theo giá đất ở cho toàn bộ diện tích theo điều 87 Luật đất đai 2003.
Bên cạnh đó, căn cứ vào công văn 1709/CV-STC ngày 24/12/2004 của Sở Tài Chính hướng dẫn về vị trí giáp danh và Quyết định số 43/2004 của UBND tỉnh Hòa Bình. Do đó, việc bà Tỵ yêu cầu được bồi thường giá đất loại 1, vị trí 1 là có cơ sở chấp nhận.
Đồng thời, bà Đinh Thị Tỵ cũng khiếu kiện yêu cầu được bồi thường tthời điểm giá đất năm 2019, theo Quyết định số 37/QĐ - UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Hòa Bình. Yêu cầu này đã được TAND tỉnh Hòa Bình nhận định là "có cơ sở". Bởi, ngày 31/12/2005 UBND huyện Lạc Thủy ban hành QĐ số 150/QĐ - UBND, V/v thu hồi đất của hộ bà ĐInh Thị Tỵ. Tuy nhiên do có những sai sót trong việc thu hồi đất và lập phương án bồi thường nên bà ĐInh Thị Tỵ khiếu nại, vụ việc kéo dài tới thời điểm hiện tại nên việc bồi thường chậm là do cơ quan, tổ chức gây ra.
Theo nhận định của TAND tỉnh Hòa Bình, việc bà Tỵ yêu cầu bồi thường theo Quyết định số 37/QĐ- UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Hòa Bình là có cơ sở. Bởi theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ- CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức gây ra khi nhà nước thu hồi đất, thì: Nếu giá đất tại thời điểm bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố cáo hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Như vậy, giá đất để tính bồi thường là giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường do UBND tỉnh Hòa Bình công bố.
Phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính lần 2 số 03/2019/HCST ngày 24/10/2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã phần nào bù đắp được những tổn thất, mất mát về con người, tài sản, tinh thần và quyền lợi của gia đình bà Đinh Thị Tỵ. Bản án của TAND tỉnh Hòa Bình giúp cho gia đình bà Tỵ cũng như dư luận có thêm niềm tin vào những người “cầm cân nảy mực”, bảo vệ công lý, lẽ phải.
Liên quan đến thời hiệu của vụ án, TAND tỉnh Hòa Bình cho rằng: Ngày 9/7/2009, bà Đinh Thị Tỵ có đơn khởi kiện TAND tỉnh Hòa Bình, yêu cầu hủy quyết định số 1026/QĐ – UBND ngày -8/6/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; giải quyết hành vi hành chính của 32 bị đơn là cá nhân, 7 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Sauk hi nhận đơn khởi kiện của bà Đinh Thị Tỵ, TAND tỉnh Hòa Bình chuyển đơn đến TAND huyện Lạc Thủy giải quyết. TAND huyện Lạc Thủy xác định người khởi kiện yêu cầu hủy QĐ số 1026 đã chuyển đơn lại cho TAND tỉnh Hòa Bình. Từ đó đến trước ngày 26/3/2017 (Ngày TAND tỉnh thông báo thụ lý vụ án này) bà Tỵ liên tục có đơn yêu cầu TAND tỉnh Hòa Bình thụ lý giải quyết vụ án hành chính.
Căn cứ khoản 2 Điều 1, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 57/2010/QH12 hướng dẫn về việc thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2010; Nghị quyết số 01/2015/NĐ-HĐTP ngày 15/1/2015 của Hội đồng Thảm phán Tòa án nhân dân tối cao, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/201/ NQ – HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Tố tụng hành chính; căn cứ Luật Tố tụng hành chính năm 2015, việc bà Đinh Thị Tỵ khởi kiện vụ án hành chính là còn thời hiệu.