Tăng cường bảo vệ rừng trong mùa khô

Thời điểm này đang là cao điểm của mùa nắng nóng, thời tiết diễn biến thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR và PCCCR) trên địa bàn với phương châm 'phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả'.

 Huy động các lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy, hạn chế lây lan diện rộng. Ảnh: T T

Huy động các lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy, hạn chế lây lan diện rộng. Ảnh: T T

Huyện Hải Lăng có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 24.514,22 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 21.857,22 ha. Trên địa bàn huyện triển khai nhiều dự án tại Khu kinh tế Đông Nam liên có quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, do áp lực về thời gian thi công công trình, chủ đầu tư tiến hành san ủi mặt bằng trong khi các thủ tục chưa hoàn thành dẫn đến nhiều nguy cơ gây cháy rừng. Trong năm 2019, trên địa bàn xảy ra trên 10 điểm lửa và 2 vụ cháy thiệt hại 3,8 ha rừng, ước tính thiệt hại 76 triệu đồng. Hầu hết các điểm lửa xảy ra đều được chính quyền, người dân và lực lượng kiểm lâm phát hiện, huy động, tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời.

Đánh giá thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, như thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài kèm theo gió Tây Nam thổi mạnh làm cho thảm thực bì khô, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa dẫn đến cháy rừng. Việc quản lý lượng người ra vào rừng của các cấp, chính quyền địa phương chưa tốt, chưa nắm bắt được lượng người khai thác rừng trồng trên địa bàn. Trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng so với diện tích rừng hiện có, ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận Nhân dân có khi chưa tốt, thiếu tự giác, việc truy tìm để xử lý những đối tượng vào rừng sử dụng lửa gây ra cháy rừng chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống đường giao thông lâm nghiệp, các công trình bảo vệ rừng xuống cấp nên khi cháy rừng xảy ra, một số diện tích không có đường hoặc có nhưng phương tiện cơ giới rất khó tiếp cận để chữa cháy. Một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thường xử lý thực bì sau khai thác để trồng lại rừng bằng phương pháp đốt, không đăng ký hoặc có đăng ký nhưng việc chấp hành thiếu nghiêm túc các quy trình kỹ thuật, khi đốt để cháy lây lan...ảnh hưởng lớn đến công tác PCCCR trên địa bàn. Ngoài ra, tại một số xã, chủ rừng chưa quan tâm đến công tác quản lý, BVR đặc biệt là công tác PCCCR, xem trách nhiệm BVR-PCCCR là của ngành kiểm lâm.

Để chủ động công tác phòng chống cháy rừng, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng huyện (Ban chỉ đạo 886) đã tham mưu UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng, các chủ rừng theo dõi sát tình hình, dự báo nguy cơ cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo về công tác PCCCR nên các vụ cháy, điểm cháy rừng đều được phát hiện. Khi có đám cháy xảy ra đã huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Nguyễn Giáp, Trưởng Ban Chỉ đạo 886 cho biết thêm, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là lĩnh vực BVR và PCCCR đến tận địa bàn khu dân cư. Cụ thể, đã triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản của cấp trên về công tác quản lý BVR-PCCCR. Xây dựng, triển khai phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng giai đoạn 2019-2020, xây dựng, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ đạo các chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, HTX Phú Hưng xây dựng và thực hiện phương án PCCCR. Hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng 81 phương án PCCCR.

Năm 2019 trên địa bàn huyện không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước về hợp đồng suất khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên UBND 5 xã Hải Lâm, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Thọ (nay là thị trấn Diên Sanh) và Hải Chánh đã trích từ nguồn quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp xã để hợp đồng 9 suất khoán bảo vệ rừng trong 6 tháng mùa khô.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp và bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ cháy rừng rất cao, thường xuyên ở mức cảnh báo cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do đó ngay đầu mùa khô, huyện Hải Lăng đã xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp PCCCR. Tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với nhiều hình thức phong phú, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi hành vi như họp thôn lồng ghép, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên đài phát thanh huyện, tuyên truyền hệ thống phát thanh của xã, thôn, tuyên truyền trực tuyến…

Vận động người dân cùng với cán bộ kiểm lâm trên địa bàn tham gia công tác tuần tra và thường xuyên xử lý thực bì, phát đường băng cản lửa ở những khu rừng dày dễ xảy ra cháy và thực hiện tốt công tác canh phòng theo dõi diễn biến của rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng để có phương án ứng phó kịp thời.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=148603