Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại các địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh SXH một cách hiệu quả. Trong đó, việc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống bệnh SXH là một trong những hoạt động cao điểm nhằm thực hiện phòng, chống SXH. Để tìm hiểu rõ hơn về chiến dịch này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế ĐỖ VĂN HÙNG.

-Thưa ông! Xin ông cho biết cụ thể hơn về tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay?

-SXH là bệnh truyền nhiễm được biết đến từ nhiều năm nay, rất phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh SXH lây truyền qua trung gian muỗi vằn, loại muỗi lưu hành vùng nhiệt đới. Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã ghi nhận trên 200.000 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 38 ca tử vong. Tại tỉnh Quảng Trị, diễn biến của bệnh SXH khá phức tạp, nhất là thời gian gần đây số ca bệnh đang gia tăng hằng ngày, hằng tuần, có địa phương mỗi tuần số ca bệnh SXH tăng thêm từ 100-200 ca. Tính đến ngày 28/10/2019, toàn tỉnh ghi nhận 3.896 trường hợp SXH, tăng 9,7 lần so với cùng kì năm 2018. Ca bệnh được ghi nhận tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố (huyện đảo Cồn Cỏ chưa ghi nhận ca SXH), ca bệnh tập trung cao tại các huyện Hướng Hóa với 1.731 ca; Triệu Phong 833 ca và thành phố Đông Hà 570 ca. Tình hình bệnh SXH vẫn còn diễn biến khá phức tạp nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thời tiết diễn biến tạp, cùng với đó là ý thức của người dân một số nơi còn hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH.

-Trước những diễn biến phức tạp của bệnh SXH, thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai những biện pháp gì để phòng chống, thưa ông?

-Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp lập kế hoạch cụ thể và thực hiện các chương trình phòng, chống bệnh SXH. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối cung cấp đầy đủ hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy, máy phun cho các đơn vị phục vụ công tác phòng, chống bệnh kịp thời, không để bệnh SXH lan rộng, kéo dài. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện cung cấp đầy đủ thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị, tuyên truyền đến cộng đồng các dấu hiệu bệnh SXH… nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh SXH.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, tuy nhiên bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp. Để khống chế, không để bùng phát dịch cần sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng dân cư với mục tiêu không có bọ gậy, không có muỗi, không có bệnh SXH.

 Ngành Y tế tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy tại nhà để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: LN

Ngành Y tế tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy tại nhà để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: LN

-Được biết chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh SXH đang được triển khai là đợt hoạt động cao điểm nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh SXH, ông có thể cho biết rõ hơn về chiến dịch này?

-Ngày 17/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 4250/KH- UBND về tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm 2019. Để triển khai chiến dịch này, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chính quyền các địa phương cấp huyện, thị, thành phố thực hiện. Đồng thời phối hợp với các đơn vị như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sư đoàn 968, Tỉnh đoàn Quảng Trị hỗ trợ nhân lực thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/ bọ gậy phòng, chống bệnh SHX tại huyện trọng điểm như Triệu Phong, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà với gần 2.000 cán bộ, đoàn viên, chiến sĩ và người dân tham gia. Đây là hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ, xử lí các vật chứa có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến. Xử lí, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trong mỗi gia đình và tại thời điểm nguy cơ. Qua hoạt động này cũng nhằm đảm bảo hiệu quả của phun hóa chất diệt muỗi, duy trì tính bền vững của hoạt động phòng, chống bệnh SXH dựa vào cộng đồng. Để chiến dịch được triển khai hiệu quả, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh SXH, không để dịch lây lan, kéo dài. Đồng thời đề nghị Tỉnh đoàn Quảng Trị là lực lượng xung kích đi đầu trong các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gây, mỗi đoàn viên thanh niên phải là một tuyên truyền viên trong phòng, chống bệnh SXH cho người thân, bạn bè và cộng đồng. Cùng với đó, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tuyên truyền cho mỗi người dân nâng cao nhận thức phải tự chịu trách nhiệm về nơi sinh sống của mình, tích cực diệt lăng quăng/ bọ gậy để ngăn chặn sự lây lan của vi rút gây bệnh SXH. Đó là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất trong công tác phòng, chống dịch.

-Vậy ngành Y tế khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng, chống bệnh SXH?

-Để phòng chống bệnh SXH hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Đồng thời hằng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa các dụng cụ chứa vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Bên cạnh đó cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá. Nên ngủ màn, mang áo quần dài tay để phòng muỗi đốt. Đặc biệt, khi có biểu hiện của sốt cần kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, giúp ngành Y tế có sự chủ động trong công tác phòng, chống bệnh SXH.

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều đợt phát động, ra quân phòng, chống bệnh SXH ở cụm dân cư trên địa bàn, cùng với đó là tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế bệnh SXH một cách có hiệu quả nhất.

-Xin cảm ơn ông!

Lệ Như (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143543