Tăng cường dự báo, chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh
Nhằm ngăn chặn một số loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, ngay từ đầu năm, ngành y tế tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào địa phương. Ngành chủ trương cần xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động dự phòng
Để ngăn chặn hiệu quả một số loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, như: Sốt xuất huyết (SXH) Dengue, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn… thời gian qua, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế tỉnh đã tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào địa phương; đồng thời xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự báo: “Trong những tháng tới, thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình dịch bệnh có nguy cơ tăng cao và diễn biến phức tạp. Nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, sự gia tăng giao lưu đi lại… sẽ làm cho các dịch bệnh: SXH, Covid-19, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn… có khả năng bùng phát thành dịch bệnh dẫn đến tình trạng dịch chồng dịch. Trong đó, dịch bệnh SXH trong thời gian tới số ca mắc tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực lưu hành các ổ dịch cũ”.
Nhấn mạnh hoạt động dự phòng, bác sĩ Trần Văn Chung cho biết, năm 2022 Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ người mắc bệnh SXH cao. Năm nay, để kéo giảm tỷ lệ ca mắc bệnh SXH, ngay từ đầu trung tâm đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động dự phòng, kêu gọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Qua công tác giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 253 người mắc bệnh SXH, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022, không có ca tử vong. Số ca mắc trong tuần qua là 41 ca, giảm 32 ca so với cùng kỳ và giảm 7 ca so với tuần trước đó. Số ổ dịch được thống kê tại các địa phương là 14 ổ. Các địa phương ghi nhận ca mắc cao là: TX.Tân Uyên ghi nhận 9 ca, TX.Bến Cát 11 ca, TP.Thủ Dầu Một 7 ca. TX.Tân Uyên là địa phương ghi nhận ổ dịch cao với 6 ổ.
Chị Chu Thị Mai, ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên chia sẻ: “Hàng ngày, đài truyền thanh thành phố và phường thường xuyên phát các chương trình về phòng, chống bệnh SXH, tay - chân - miệng nên tôi cũng hiểu phần nào về các dịch bệnh. Không chỉ riêng gia đình tôi mà bà con ở đây ai nấy cũng luôn giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ để phòng, chống dịch bệnh”.
Chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh
Bàn về các giải pháp để kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh mới, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, kịp thời cách ly và xử lý triệt để môi trường tại các địa phương xuất hiện ca bệnh, ổ dịch. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát, tiêm vét, tiêm liều nhắc lại, bổ sung vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương đã triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Hiện công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành y tế thực hiện chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt ngành giáo dục và đào tạo khi năm học mới bắt đầu. Thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh”.
(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố tích cực, chủ động giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của nhân dân, giám sát véc tơ truyền bệnh, đẩy mạnh việc tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, khử khuẩn tại cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống bệnh viêm gan do vi rút, phòng chống bệnh dại. Ngoài ra, trung tâm cũng đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về dịch bệnh để mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên chia sẻ: “Hiện nay, cán bộ, nhân viên ở trung tâm đã được tập huấn, cập nhật phác đồ điều trị bệnh SXH, tay - chân - miệng. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, vật tư y tế để ứng phó với tình hình dịch bệnh theo mùa. Do đó, thời gian qua, công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh SXH, tay - chân - miệng ổn định, hiệu quả, hạn chế ca nặng, chuyển tuyến. Hàng tuần, trung tâm họp hội đồng người bệnh để thông tin, truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các khuyến cáo để người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh”.