Tăng cường kiểm soát thịt lợn nhập khẩu

Tính từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, cả nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi.

Lực lượng quản lý thịt trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu dịp cuối năm - Ảnh: TN

Lực lượng quản lý thịt trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu dịp cuối năm - Ảnh: TN

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngưng lại, cộng với đó là tình hình mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng thời gian gần đây diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các khu vực biên giới như: tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... chủ động xây dựng phương án phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan, công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.

Trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở NN-PT-NT kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó là việc tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Theo Tổng cục Thống kê trong tháng 10, đàn lợn cả nước giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2018 do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Bộ Công Thương và Bộ NN-PT-NT dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12 và tháng 1 năm mới).

Trong khi đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên càng làm ảnh hưởng đến nguồn cung dịp cuối năm.

Để ứng phó với nguồn cung thiếu hụt này, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN-PT-NT, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo Bộ NN-PT-NT, hiện có thể nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ 24 quốc gia như: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch…

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tang-cuong-kiem-soat-thit-lon-nhap-khau-126300.html