Tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm trong gia đình. Do đó, thời gian qua các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và giám sát chất lượng thực phẩm từ gốc để kịp thời ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Vì kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của một công ty ở xã Cam Thượng. Ảnh: Bình Minh

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Vì kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của một công ty ở xã Cam Thượng. Ảnh: Bình Minh

Giám sát chất lượng thực phẩm từ gốc

Hiện nay, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ bảo đảm sức khỏe con người mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội. Do đó, từ đầu năm đến nay, ngành Y tế các địa phương đã đẩy mạnh việc tăng cường kiểm tra và giám sát nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân kiểm tra chất lượng nguồn gốc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 433 cơ sở. Theo đó, đã xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền hơn 27,7 triệu đồng. Thực tế cho thấy, do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuyển sang hình thức kinh doanh thương mại điện tử gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và quản lý đối với loại hình này. Một số cơ sở không có giấy tờ ghi chép sổ sách nhật ký hàng hóa mà chỉ có biên lai…

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho hay, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn tập trung kiểm tra nguồn gốc an toàn thực phẩm được sử dụng nhiều như: Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; sản xuất, kinh doanh, bảo quản thịt tươi sống, giò, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Theo đó, toàn huyện đã kiểm tra được 1.587 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử phạt vi phạm hành chính 57 cơ sở với số tiền hơn 315 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hàng hóa theo quy định. Trong đó, Phòng Y tế tham mưu huyện tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra nguồn gốc, thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn. Kết quả kiểm tra được 156 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 5,2 triệu đồng.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, từ thành phố đến các địa phương đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của nhiều trường trên địa bàn các quận, huyện; cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Các trường, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt; nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ mà chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm tại vùng sản xuất…

Tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết

Để hạn chế và không xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật trong nước và nhập khẩu, xử lý nghiêm nếu có vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Để bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm từ gốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy thông tin, huyện yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật; đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng thực hiện lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thủ tục hành chính theo phân cấp giải quyết đúng thời gian và đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần từng bước ngăn ngừa các hành vi vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, huyện sẽ tiếp tục kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học; dịch vụ ăn uống. Cùng với đó, thực hiện tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo phân cấp. Đồng thời, huyện tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể với mục tiêu truy xuất tận gốc nơi nuôi trồng, giết mổ, thu hái, đánh bắt…

Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ các cơ sở ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-cuong-kiem-soat-va-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-681176.html