Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống gian lận, hàng giả dịp Tết Nguyên đán
Cuối năm luôn là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Xử nghiêm các hành vi vi phạm
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa Ban hành kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Thực hiện kế hoạch trên, QLTT các địa phương trên cả nước đã triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023.
Cụ thể, thực hiện kế hoạch số 1235/KH-QLTTLS ngày 17/11/ 2023 của Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, tổ địa bàn huyện Bình Gia đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024 như: sữa chế biến, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Theo đó, trong ngày 20 /11/2023 thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tổ quản lý địa bàn huyện Bình Gia đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại đối với 3 hộ kinh doanh với số tiền xử phạt 11.500.000 đồng.
Các tổ công tác địa bàn cũng chú trọng tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các trung tâm thương mại, chợ cụm xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường liên xã ... kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nhất là các đối tượng/vụ việc vi phạm quy mô lớn.
Với sự tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết, gần 11 tháng năm nay, lực lượng chức năng kiểm tra hơn 1.000 vụ.
Trong đó, phát hiện, xử lý hơn 540 vụ vi phạm lĩnh vực quảng cáo; sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; vận chuyển gia súc, gia cầm chết đi tiêu thụ... Tổng số tiền xử phạt hành chính và hàng hóa tịch thu khoảng 20 tỉ đồng. Riêng trong tháng 10 và 11, Cục QLTT tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra gần 220 vụ, xử lý gần 100 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỉ đồng.
Điển hình là vụ đơn vị phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 2 hộ ở TP Bắc Giang kinh doanh số lượng lớn rượu ngoại nhiều nhãn hiệu và hàng nghìn bao thuốc, điếu xì gà nhập lậu; vụ Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD ở thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập (Tân Yên) kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu...
Triển khai các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa
Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như lợi dụng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ; thông qua sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng; gửi hàng qua dịch vụ bưu chính... gây khó khăn cho công tác kiểm soát, xử lý.
Đặc biệt, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng diễn biến phức tạp hơn. Trước thực tế này, các Cục QLTT địa phương đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường nhân lực, đẩy mạnh kiểm tra việc sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa trên các lĩnh vực, tập trung vào các mặt hàng bị cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử; vi phạm nguồn gốc, xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật gây bất ổn thị trường…
Cục QLTT Bắc Giang cho hay, để góp phần ổn định thị trường dịp cuối năm, thời điểm này, đơn vị đã bố trí, phân công cán bộ trực 24/24 giờ; tăng cường trinh sát, nắm bắt thông tin các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra việc vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết (như bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, hàng điện tử, quần áo, pháo nổ…) trên các tuyến quốc lộ và các trục giao thông giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm”.
Còn tại Cao Bằng, ngày 10/11/2023, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 696/KH-QLTTCB cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, xì gà, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật...
Đặc biệt, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý góp phần bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết của nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ dân sinh, điểm đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quả.
Phối hợp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới vận chuyển vào thị trường nội địa…
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân, để không mua phải hàng giả, kém chất lượng nên chọn mua hàng tại những cửa hàng, trung tâm thương mại uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Khi mua, yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ hóa đơn, phiếu bảo hành; xem kỹ nhãn mác hàng hóa, địa chỉ sản xuất, thành phần, lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch…Đối với hàng nhập khẩu, phải có nhãn phụ, phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tem chống hàng giả (nếu có), đơn vị nhập khẩu.
Đồng thời, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, có như vậy, công tác quản lý thị trường mới đạt hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.