Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Qua đó, hoạt động khai thác khoáng sản đã đáp ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư trọng điểm, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 557 mỏ khoáng sản đang hoạt động. Hiện nay, các mỏ đã và đang được cấp phép, quản lý một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu ra cung cấp cho các đơn vị, dự án, công trình có nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp trong quá trình khai thác như: Chưa xây dựng đầy đủ các công trình phục vụ khai thác mỏ, công trình bảo vệ môi trường; khai thác ngoài mốc giới; sử dụng đất để phục vụ chế biến, tập kết sản phẩm ngoài diện tích đất được thuê; khai thác vượt quá công suất; vượt độ sâu, khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt; để mất mốc giới khai thác; không kê khai đầy đủ sản lượng khai thác dẫn đến thất thu về thuế, còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn một số huyện chưa được xử lý triệt để.
Để hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường với rất nhiều giải pháp đồng bộ. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường... đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đắc Khảng, quản lý mỏ đá của Công ty TNHH Hoàng Tuấn cho biết: "Mỏ đá của công ty trên địa bàn xã Hà Tân (Hà Trung) được cấp phép từ năm 2023, công suất 8.000m3/năm. Trong quá trình khai thác chúng tôi tuân thủ theo mọi quy định, từ khoan nổ mìn, lắp hệ thống phun sương ngăn bụi gây ô nhiễm, gắn hệ thống camera giám sát, lắp đặt trạm cân".
Ông Văn Bình Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Cường Giang (thị xã Bỉm Sơn) cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện việc khai thác đất san lấp cung cấp cho một số dự án trên địa bàn tỉnh. Quá trình khai thác công ty thường xuyên được sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật, khai thác khoáng sản theo đúng nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động, công ty cũng chú trọng thực hiện các giải pháp giảm bụi, duy tu đường giao thông tại khu vực khai thác, vận chuyển khoáng sản”.
Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã ban hành trên 1.500 văn bản trả lời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân xin cấp phép hoạt động khoáng sản, báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản. Thẩm định, trình UBND tỉnh có quyết định cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản, cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng 5 mỏ, thu hồi, đóng cửa 8 mỏ. Thực hiện 18 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra đã thông tin kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thông tin đến các cơ quan báo, đài và người dân; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: "Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng được Sở TN&MT triển khai thường xuyên, liên tục. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã kiểm tra, xử phạt 23 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động khai thác đối với các doanh nghiệp có vi phạm lớn. Qua đó, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp và chặt chẽ hơn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng hợp lý, hiệu quả đã góp phần tích cực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".