Tăng cường quản lý phòng cháy khu dân cư

Từ tháng 4-2021, toàn tỉnh Đồng Nai đã bàn giao hơn 13,6 ngàn cơ sở về cho 170 UBND xã, phường, thị trấn quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với UBND cấp xã.

Người dân chung cư Nguyễn Văn Trỗi (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay. Ảnh: Đ.Tùng

Người dân chung cư Nguyễn Văn Trỗi (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay. Ảnh: Đ.Tùng

Lãnh đạo các địa phương đang tiến hành rà soát lại và xây dựng phương án tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC cho các cơ sở được giao thẩm quyền quản lý về PCCC.

* Khó khăn bước đầu

Trong hơn 13,5 ngàn cơ sở được bàn giao cho UBND cấp xã quản lý về PCCC vừa qua chủ yếu tập trung tại TP.Biên Hòa (hơn 7,5 ngàn cơ sở), H.Long Thành (hơn 2,5 ngàn cơ sở) và H.Trảng Bom (hơn 2 ngàn cơ sở)...

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng cháy tại từng khu dân cư trong thời gian tới đã được Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trong Hội nghị trực tuyến tập huấn văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an tổ chức vào tháng 4-2021 là lực lượng Công an phải kết hợp với chính quyền địa phương, ngành điện lực để đi kiểm tra, tuyên truyền tại từng khu dân cư, tổ nhân dân. Qua đó, chỉ ra cho người đứng đầu các hộ dân, nhất là các hộ có sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư các tồn tại, hạn chế về PCCC và sớm yêu cầu khắc phục.

Đây là những cơ sở mới được đưa vào diện quản lý PCCC theo Phụ lục IV, Nghị định 136/NĐ-CP/2020 ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Các cơ sở này chủ yếu là các tiệm tạp hóa nhỏ (diện tích kinh doanh dưới 300m2), khu nhà trọ dưới 10 phòng… Đây là những loại hình kinh doanh, dịch vụ thường gặp nhất trong các khu dân cư.

Nhiều UBND phường, xã cho biết, hiện khó khăn, vướng mắc lớn nhất là quản lý PCCC đối với các loại hình nhà trọ (dưới 10 phòng) và các tiệm tạp hóa nhỏ. Vì phần lớn nhà trọ và tạp hóa nhỏ ban đầu được xây dựng để ở, về sau, chủ hộ mới mở rộng, cơi nới bằng vật liệu nhẹ để cho thuê, kinh doanh. Do đó, các tiêu chí như lối thoát hiểm phụ hay sắp xếp hàng hóa, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động gần như không có.

Lãnh đạo UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, các cơ sở này trước đây không nằm trong diện quản lý về PCCC nên một số chủ hộ lúng túng không biết phải làm thế nào để đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời, với đặc thù nhà ở đô thị san sát, nhiều công nhân thuê trọ nên nhiều người thuê cũng bán tạp hóa luôn tại đó nên địa phương chưa biết quản lý cơ sở đó bằng cách gộp chung với nhà trọ hay tách riêng.

* Chú trọng công tác tuyên truyền

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, đến nay, sau khi tiếp nhận quản lý PCCC hơn 13,6 ngàn cơ sở, UBND 170 xã, phường, thị trấn đang tổ chức rà soát, bổ sung các cơ sở vừa được thành lập mới trên địa bàn để đưa vào danh sách quản lý PCCC tại địa phương. Trong công tác này, công an cấp xã là đơn vị chủ trì, tham mưu để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo công an các địa phương nhận định, để làm tốt việc quản lý các cơ sở này, UBND cấp xã phải tận dụng được lực lượng cán bộ cơ sở. Nhất là các trưởng ấp, trưởng khu phố vì bên cạnh công an khu vực, họ là những người nắm rõ, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn khu dân cư.

Thượng tá Lê Quang Bằng, Phó trưởng Công an H.Long Thành cho biết, để làm tốt nhiệm vụ mới này, công an các xã, thị trấn cần tăng cường tham gia tập huấn nghiệp vụ PCCC. Đồng thời, chú ý việc quản lý, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, sẵn sàng ứng phó với sự cố cháy, nổ tại địa phương.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh sẽ tăng cường tập huấn công tác kiểm tra PCCC cho lực lượng công an cơ sở; xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra an toàn PCCC ở các cơ sở kinh doanh trong khu dân cư để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, tìm giải pháp khắc phục ngay, hạn chế những hiểm họa cháy, nổ xảy ra.

Bà N.T.B.H. (chủ một tiệm tạp hóa tại P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho các hộ dân thuộc diện quản lý về PCCC biết các quy định mới về an toàn PCCC để người dân hiểu rõ, làm đúng theo quy định. Sau đó mới tiến hành kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh và xử phạt với những sai phạm.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202105/tang-cuong-quan-ly-phong-chay-khu-dan-cu-3055795/