Tăng cường theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đến nay, việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Trên thực tế, các vụ việc vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính xảy ra chủ yếu thuộc các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; môi trường; phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 2.246 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính, 6 vụ vi phạm chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự; số đối tượng bị xử phạt là 2.436 cá nhân và 113 tổ chức; các cơ quan và lực lượng chức năng đã ban hành 2.508 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền thu từ xử phạt hơn 10,9 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực.

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ảnh: Khánh Chi

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ảnh: Khánh Chi

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính tại 6 đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính đã được thực hiện kịp thời, các hành vi vi phạm đã được xử phạt theo đúng quy định. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được các cấp, ngành triển khai đồng bộ. Theo đó, Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ, triển khai thi hành và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho 100% đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính của các địa phương; các cơ quan, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định hướng dẫn thi hành đến tổ chức, cá nhân bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như hội nghị tuyên truyền, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và thường xuyên lồng ghép công tác tuyên truyền qua các hội nghị chuyên ngành, hội nghị giao ban đến cán bộ, công chức về các nội dung có liên quan thiết thực đến đời sống, trong đó có nội dung pháp luật về xử lý vi phạm hành chính... Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ về tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; đưa pháp luật xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ hằng năm, đột xuất cho thấy việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện vẫn còn một số hạn chế, như: việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đôi lúc chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra về xử lý hành vi vi phạm hành chính của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; việc lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt có lúc chưa kịp thời; trình độ, năng lực của một bộ phận công chức tư pháp, pháp chế chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, che giấu hành vi vi phạm nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện và xử lý vi phạm...

Để tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các nghị định của Chính phủ liên quan việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm về nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, hướng tới mục đích nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên các lĩnh vực, góp phần hạn chế hành vi vi phạm.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/tang-cuong-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-139636.html