Tăng cường tuyên truyền khi mức đóng BHXH tự nguyện thay đổi

Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại 1 tổ hợp may.

Tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại 1 tổ hợp may.

Theo đó, cũng từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện đã có sự thay đổi. Điều này tác động trực tiếp đến trên 18 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đặt ra những khó khăn trong công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

Với quy định mới, hiện nay, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (tức là bằng 22% nhân với mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định mới năm 2022 là 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với năm 2021.

Cùng với việc điều chỉnh tăng mức đóng tối thiểu, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); với hộ cận nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác, số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).

Đối với mức đóng tối đa, đến nay, do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng, vì thế, mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng (tức là bằng 20 lần mức lương cơ sở).

Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đang có trên 18 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó hơn 10 nghìn người có mức thu nhập lựa chọn đóng BHXH tự nguyện dưới 1,5 triệu đồng. Nếu như không có những giải pháp kịp thời rất dễ khiến hơn 10 nghìn trường hợp như trên rơi vào tình trạng không tiếp tục BHXH tự nguyện, thoát khỏi mạng lưới an sinh xã hội.

Trước sự thay đổi đó, BHXH tỉnh đã khẩn trương triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, như: Ban hành Công văn chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố chỉ đạo nhân viên đại lý thu trên địa bàn khẩn trường tiếp cận những người tham gia BHXH tự nguyện có mức thu nhập lựa chọn dưới 1.500.000 đồng để tuyên truyền, giải thích cho người tham gia hiểu rõ về những biến động trong mức đóng BHXH tự nguyện.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền những lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, nhất là ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vai trò quan trọng của việc tham gia BHXH, đảm bảo cho những rủi ro trong cuộc sống và tự chủ tài chính khi hết tuổi lao động. Cùng với đó là những ưu việt như: Được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời...

Trước nhiệm vụ mới và có phần khó khăn, BHXH các huyện, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường vai trò của các đại lý thu BHXH tại các xã, phường, thị trấn. Bởi đây là "cầu nối" trực tiếp, sâu sát và hiểu rõ từng nhu cầu, hoàn cảnh của đối tượng, từ đó có thể nắm bắt, hướng dẫn, giải thích cho đối tượng hiểu, sẵn sàng tiếp tục và tự nguyện tham gia.

Bà Vũ Thị Bẩy, xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) cho biết: Tôi đã tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm nay, với mức đóng là 744 nghìn đồng/tháng và cảm thấy rất yên tâm khi về già sẽ có nguồn lương hưu và có thẻ BHYT hỗ trợ khám chữa bệnh. Hiện nay, dù mức đóng có cao hơn năm trước 1 chút, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì BHXH tự nguyện, với suy nghĩ đơn giản là mình đóng thêm tiền thì sau này sẽ hưởng mức lương hưu cao hơn.

Chị Trần Thị Nhung, đại lý thu BHXH Bưu điện xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) cho biết: Trước sự thay đổi mức đóng của BHXH tự nguyện, tôi đã nắm bắt cụ thể và tăng cường hơn công tác tuyên truyền đến người dân. Hầu hết người đã tham gia đều đồng thuận, nhất trí tiếp tục khi đến hạn, bởi họ biết rõ những lợi ích mà BHXH mang lại khi không may gặp rủi ro, đặc biệt khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu, được chăm sóc sức khỏe y tế.

Theo ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Những thay đổi về mức đóng đối với BHXH tự nguyện theo quy định chuẩn hộ nghèo đa chiều là tất yếu, phù hợp với đời sống và thu nhập hiện nay của người dân. Vì vậy, người lao động có thể yên tâm, chính sách BHXH tự nguyện sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho tất cả người dân, giúp đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, với những người có mức thu nhập nhưng chưa tham gia thì hãy tham gia BHXH tự nguyện; còn đối với những người đã tham gia, hãy tin tưởng và tiếp tục tham gia, để được Nhà nước chăm sóc và bảo đảm quyền lợi khi hết tuổi lao động.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-khi-muc-dong-bhxh-tu-nguyen-thay/d20220218143210893.htm