Tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức

Trong bài viết 'Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới' của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dư luận nhân dân thực sự tâm đắc với những những kinh nghiệm lãnh đạo nhiệm kỳ 2015 - 2020 được đúc rút.

Ở phần đúc rút những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, đồng chí viết: “Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”. Điều này giúp tôi hiểu là cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch vững mạnh về đạo đức. Đây cũng là những vấn đề Đảng ta ra sức thực hiện lâu nay nhưng đạt hiệu quả chưa cao như mong muốn.

Biểu hiện rõ nhất từ năm 2011 đến năm 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó, xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, cho ra khỏi Đảng 12.419 đảng viên. Ngoài hình thức xóa tên, trong 8 năm qua, có 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Những số liệu trên đã cho thấy rằng, Đảng ta rất nghiêm minh và quyết liệt trong xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật, làm mất giá trị đạo đức và thanh danh của Đảng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng vi phạm đạo đức trong cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Đó là các biểu hiện thông qua các sự việc nổi cộm xảy ra gần đây ở một số tỉnh, thành phố và nhiều bộ, ngành khác...

Trước tình trạng nguy cơ suy thoái đạo đức, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm”. Để khắc phục, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết có tính đột phá, trong đó Nghị quyết Trung 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì ở tầm chiến lược. Trước đó, vào cuối năm 2011, Đảng ta đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 115/QĐ-TW về những điều đảng viên không được làm ban hành từ năm 2007, trong đó ghi rõ có 19 điều các cán bộ, đảng viên không được làm.

Xây dựng Đảng về đạo đức chính là tiền đề để hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh, ngày càng văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tổ chức xây dựng Đảng về đạo đức ở các tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng hiện nay chưa thật rõ nét, chưa gắn giữa thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện đánh giá đảng viên một cách công tâm, khách quan và chính xác. Hậu quả của việc này khiến cho có lúc, có nơi đội ngũ đảng viên chưa thực coi trọng xây dựng đạo đức, tách rời đạo đức đảng viên, đạo đức cán bộ ra khỏi công việc và trong giải quyết các mối quan hệ. Hệ lụy xảy ra là nhiều cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã nói không đi đôi với làm, thậm chí lãnh đạo, chỉ đạo sai đường lối, vi phạm pháp luật, gây hậu quả ở các mức khác nhau, từ nghiêm trọng, đến rất nghiêm trọng và cả đặc biệt nghiêm trọng.

Làm thế nào để việc thực thi đạo đức trong tổ chức đảng được chặt chẽ và hiệu quả như mong muốn là câu hỏi không dễ trả lời và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ của các bí thư và cấp ủy cùng những yếu tố khác. Nhưng trước khi để mong muốn ấy thành hiệu quả thiết thực, quán triệt lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mỗi bí thư, cấp ủy hãy rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng (khóa XII) hiện hành.

Theo QĐND

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/tang-cuong-xay-dung-dang-vung-manh-ve-dao-duc-z1n20200910212847076.htm