Tăng hiệu quả của các tổ chức kinh tế tập thể

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực, có nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ. Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho loại hình kinh tế tập thể này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhiều hợp tác xã tại Cần Thơ rất linh hoạt trong kinh doanh du lịch và dịch vụ. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh Thanh Tâm)

Nhiều hợp tác xã tại Cần Thơ rất linh hoạt trong kinh doanh du lịch và dịch vụ. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh Thanh Tâm)

Bài 1: Nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả

Ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta, trình độ, năng lực sản xuất của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, cho nên mô hình liên gia, hợp tác cùng sản xuất có vai trò và hiệu quả lớn trong thúc đẩy sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là nông sản bản địa.

Xác định kinh tế tập thể là nòng cốt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh, triển khai chương trình hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đến nay, tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ 14 hợp tác xã thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp các hợp tác xã chủ động trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng doanh thu.

Một trong những mô hình hợp tác xã thành công trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là hợp tác xã Đại Hà, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông). Được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới công nghệ cao, hợp tác xã đã đưa hai giống dưa lưới vỏ vàng Huỳnh Long và dưa lưới vỏ xanh của Malaysia vào trồng trên quy mô 1.000m2 và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và tưới bù áp. Một năm hợp tác xã canh tác hai vụ dưa với doanh thu ước đạt khoảng 300 triệu đồng. Giám đốc Hợp tác xã Đại Hà Bùi Văn Tô cho biết: Sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn cho nên được thị trường ưa chuộng, sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy.

Kinh tế hợp tác xã tại Bắc Kạn đã có chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước nhờ tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có sáu hợp tác xã xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình. Trong đó, có năm hợp tác xã đã có 10 sản phẩm xếp hạng từ 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình trong số đó là hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành hằng năm bao tiêu cho khoảng 300 hộ dân trồng gần 100ha nghệ, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn nghệ/năm; doanh thu hơn 7 tỷ đồng, thu nhập thành viên trung bình đạt 5 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương.

Các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy sản xuất của thành viên và phát triển kinh tế hộ thông qua việc hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thực hiện thâm canh, tăng vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh

Tại tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy sản xuất của thành viên và phát triển kinh tế hộ thông qua việc hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thực hiện thâm canh, tăng vụ. Đơn cử như hợp tác xã Hoa Đào chuyên sản xuất sản phẩm có thương hiệu su su sạch Ô Quý Hồ. Giám đốc hợp tác xã Hoa Đào Đỗ Thị Liên cho biết, quả su su của hợp tác xã được cấp thương hiệu giúp 300 hộ trồng có thị trường tiêu thụ ổn định.

Mỗi ngày xã viên hái chừng 10-12 tấn quả, được hợp tác xã thu mua tại chỗ với giá 5.000 đồng/kg, cao hơn giá ngoài khoảng 200 đồng/kg. Khu vực đèo Ô Quý Hồ có khoảng 130 hộ dân trồng su su và 90% số hộ đã thoát nghèo; hàng chục hộ làm giàu nhờ trồng su su cho hợp tác xã Hoa Ðào, như nhà ông Vương Văn Thanh, ở tổ 13, hiện có 5ha su su được sản xuất theo quy trình sạch-an toàn, mỗi năm bán khoảng 200-250 tấn quả, thu về 180-200 triệu đồng. Năm nay su su được giá, dự kiến ông Thanh thu 400 triệu đồng. Ông Giàng A Xóa, người dân tộc H’Mông, ở tổ 13, từ chỗ nghèo đói, nhờ trồng 1ha su su theo quy trình sạch và được hợp tác xã Hoa Ðào bao tiêu, thu nhập 60 triệu đồng/năm, cuộc sống khá giả.

Khu vực kinh tế hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực; từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên; tăng thu ngân sách nhà nước cho các địa phương.

Với xuất phát điểm chỉ có chín thành viên đại diện cho các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ở xã Hợp Hưng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), năm 2018, Hợp tác xã Chế biến, tiêu thụ nông sản Bốn Thuận được thành lập với hoạt động chính là sản xuất, thu gom và chế biến lúa gạo. Đến năm 2022, hợp tác xã đã nâng tổng số thành viên lên 66 người.

Với việc ký hợp đồng với các hộ thành viên, thống nhất quy chuẩn đồng bộ từ giống, máy móc đến gieo cấy, thu hoạch, sấy, bán…, mỗi tháng hợp tác xã chế biến hơn 300 tấn gạo, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội và các bếp ăn công nghiệp; doanh thu năm 2021 đạt 28 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Bốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc hợp tác xã Bốn Thuận cho biết, được sự hướng dẫn của Liên minh hợp tác xã tỉnh Nam Định, đầu năm 2022, Hợp tác xã Bốn Thuận kết hợp cùng ba hợp tác xã khác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vụ Bản thành lập Liên hiệp hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Khánh Hưng.

Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Liên hiệp hợp tác xã Khánh Hưng đã cho thấy hiệu quả khi bốn hợp tác xã thành viên tương trợ nhau về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các loại nông sản như gạo, trứng gà, thịt bò, cá, là sản phẩm OCOP của các hợp tác xã thành viên nhanh chóng được người tiêu dùng biết tới và chọn lựa, mở ra hướng phát triển bền vững cho liên hiệp.

Ngoài những mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, còn nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực khác như du lịch, vận tải… tại các địa phương. Tỉnh Hà Giang có 15 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay, tại các làng văn hóa đã có tám hợp tác xã du lịch cộng đồng được thành lập và hoạt động ổn định, thu nhập bình quân của những hộ làm dịch vụ du lịch đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/năm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết: “Trước đây, tại các làng văn hóa du lịch, tỉnh khuyến khích các địa phương thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng. Hợp tác xã có người đứng đầu chịu trách nhiệm chung, có định hướng phát triển lâu dài và kế hoạch hoạt động hằng năm, các thành viên được tập huấn về nghiệp vụ và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. Nổi bật như Hợp tác xã du lịch cộng đồng ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì được thành lập năm 2017, thành viên hợp tác xã là các hộ dân trong thôn.

Sơ chế dược liệu ở Hợp tác xã Cộng đồng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. (Ảnh KHÁNH TOÀN)

Sơ chế dược liệu ở Hợp tác xã Cộng đồng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. (Ảnh KHÁNH TOÀN)

Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng cho biết: Thôn có gần 40 hộ dân thì hộ nào cũng có nguồn thu từ hoạt động du lịch, hộ không làm dịch vụ lưu trú thì sản xuất những nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ du khách. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Nhiều hợp tác xã rất linh hoạt trong tổ chức kinh doanh, thích ứng tình hình. Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ và Du lịch Điểm Hẹn (phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) là một thí dụ. Hợp tác xã có chín thành viên, 20 lao động, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, tài sản gồm 13 tàu, thuyền du lịch, một nhà nổi phục vụ du khách. Giám đốc Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ và Du lịch Điểm Hẹn Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Trong hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hợp tác xã chuyển hướng thu mua nông sản, thủy sản của các thành viên hợp tác xã và các thương lái ở chợ nổi, đồng thời tổ chức 10 điểm tiêu thụ lưu động.

Mỗi ngày, hợp tác xã thu mua và tiêu thụ 70 tấn hàng hóa các loại, tạo việc làm cho 15 lao động, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2022 đến nay, lượng khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng đã đạt khoảng 70% so với trước dịch bệnh, hoạt động của hợp tác xã dần hồi phục, doanh thu dịch vụ năm nay đạt hơn 2 tỷ đồng”.

Tại Thái Bình, giữa năm 2018, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mai Linh Thái Bình thành lập Hợp tác xã Hòa Bình Xanh để thu hút những hộ kinh doanh cá thể có phương tiện, có tay nghề kinh doanh trong lĩnh vực vận tải khách bằng ta-xi. Hợp tác xã hiện có 40 xã viên trực tiếp góp vốn bằng chính xe ô-tô của mình. Phía Mai Linh đứng ra tổ chức hoạt động, chia sẻ app để xã viên tiếp nhận, đón trả khách.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Giám đốc công ty cho biết, nếu như trước đây, công ty phải đầu tư phương tiện, rồi tuyển dụng lao động, thì hiện nay hoạt động theo mô hình hợp tác xã đã giảm được tối đa chi phí vận hành. Xã viên cũng có nhiều quyền lợi hơn so với làm nhân viên lái xe cho công ty, bởi họ được góp vốn, được làm chủ phương tiện và chủ động về thời gian. Hiện nay, trừ chi phí, bình quân một xã viên có thu nhập từ 15 đến 16 triệu đồng/tháng.

Thái Bình hiện có sáu hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải với 330 thành viên. Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Thái Bình) cho biết thêm, trong vận tải hàng hóa, mô hình hợp tác xã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn mà các hộ kinh doanh không đáp ứng được và không đủ tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng vận chuyển.

(Còn nữa)

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tang-hieu-qua-cua-cac-to-chuc-kinh-te-tap-the-53279