Tăng hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Đồng Phú đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đồng Phú là huyện có nền nông nghiệp phát triển khá đa dạng với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nông dân nơi đây luôn tìm tòi, nghiên cứu để trồng các loại cây mới, phù hợp xu thế và nhu cầu thị trường. Trong đó, nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như mít, sầu riêng, bưởi, nhãn, dừa... với tổng diện tích trên 800 ha.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Đồng Phú đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng nhãn của nông dân xã Đồng Tiến

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Đồng Phú đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng nhãn của nông dân xã Đồng Tiến

Đến vườn nhãn của gia đình anh Trần Văn Phu ở ấp 3, xã Đồng Tiến, mọi người đều bị cuốn hút bởi những cây nhãn xuồng trĩu trái vàng tươi. Anh Phu cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có 1 ha đất trồng điều sau đó trồng tiêu, cà phê nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2014, được người bà con ở Đồng Nai tư vấn, anh chuyển 1 ha điều và cà phê sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Sau 3 năm trồng, vườn nhãn cho đợt trái đầu tiên, lúc đó năng suất chưa cao, vì thế gia đình anh trồng xen các loại cây hoa màu để tăng thu nhập.

Theo anh Phu, để có nhãn chính vụ đạt năng suất cao thì từ cuối tháng 2 âm lịch anh bắt đầu tưới nước cho cây nhãn. Sau 3 tháng tưới liên tục, đến tháng 4 mưa xuống thì nhãn bắt đầu trổ bông. Năm 2021, 1/2 diện tích nhãn của hộ anh Phu khai thác chính vụ vào tháng 7, tháng 8. Diện tích còn lại được anh áp dụng kỹ thuật dưỡng cây, đậu trái và khai thác trái vụ từ tết.

Anh Phu chia sẻ, muốn để nhãn ra trái vụ thì chính vụ nên để cây phát triển tự nhiên, chỉ tập trung chăm sóc trước 4 tháng so với thời điểm dự tính cho thu. Đồng thời, sau khi thu hoạch phải tỉa tán, cành gọn gàng để nhãn bật lộc tốt sẽ ra bông, đậu trái sai hơn. Nếu thời tiết thuận lợi thì trồng nhãn trái vụ đạt lợi nhuận cao hơn hẳn nhãn chính vụ. Thời điểm tết, giá thu mua có thể lên đến 60 ngàn đồng/kg nếu trái to đạt chuẩn.

“So với nhiều loại cây ăn trái khác, nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, ít công chăm sóc, quan trọng là đảm bảo đủ nước, phân bón cho cây đạt năng suất; đặc biệt chú trọng 4 lần bón phân lúc cây ra bông đến giai đoạn khi trái bắt đầu to bằng đầu ngón tay, ngoài ra không sử dụng loại thuốc hóa học nào khác. Loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài, có thể thu hoạch trên 20 năm” - anh Phu chia sẻ.

Trồng cây ăn trái được xem là hướng đi bền vững, lâu dài của nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Phú. Tuy nhiên, từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch mất khá nhiều thời gian. Để tạo thêm thu nhập cho gia đình, một số nông dân tại đây đã linh hoạt trồng xen canh các loại rau màu, cây ngắn ngày trên cùng diện tích trồng cây ăn trái. Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng mít với sầu riêng của gia đình chị Nguyễn Thị Chế ở ấp 5, xã Đồng Tiến. Hơn 5 năm trước, gia đình chị Chế quyết định trồng 2 ha sầu riêng và trong thời gian chờ cây phát triển thì trồng xen mít. Việc trồng mít không mất nhiều thời gian chăm sóc và chỉ khoảng 16 tháng là có thể thu hoạch.

Hiện nay, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã luôn chú trọng tìm những giải pháp để nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trong đó, việc cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cây trồng được quan tâm thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có hơn 100 ha vườn tạp, vườn kém hiệu quả được cải tạo, chuyển đổi cây trồng. Như các xã Thuận Lợi, Đồng Tiến, nhiều diện tích đất vườn tạp của địa phương đã được cải tạo, nhiều mô hình có thu nhập cao được hình thành như trồng nấm, trồng măng cụt, cây tầm vông… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngành nông nghiệp cũng lưu ý nông dân, khi chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả do năng suất thấp sang các cây trồng khác, cần tìm hiểu thị trường, không nên ồ ạt chuyển đổi sang một loại cây trồng. Cùng với đó, cần hướng tới sản xuất nông sản theo tiêu chí an toàn, bền vững để ổn định đầu ra và giá cả thị trường.

Cẩm Nhung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/133958/tang-hieu-qua-kinh-te-tu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong