Tăng hiệu quả quản lý từ việc rút ngắn quy trình quyết toán ngân sách nhà nước
Việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 và Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Quốc hội đã giao Chính phủ: “Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của Nhà nước”.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất và lấy ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã tổng hợp và trình Chính phủ. Ngày 20/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo số 574/BC-CP (Báo cáo đầy đủ) và Báo cáo số 575/BC-CP (báo cáo tóm tắt) trình Quốc hội về Báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Báo cáo quyết toán NSNN hằng năm được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp cuối năm sau, tức là giảm 7 tháng so với quy định tại Luật NSNN năm 2015.
Cụ thể, về mục tiêu, định hướng, việc thay đổi thời gian thực hiện Báo cáo quyết toán NSNN sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Rút ngắn thời gian quyết toán NSNN ở từng khâu, phấn đấu thời gian trình quyết toán NSNN khớp với thời gian trình dự toán NSNN năm sau; trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo.
Việc này cũng giúp nâng cao tính tự chịu trách nhiệm đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN trong sử dụng và quyết toán NSNN. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quy trình quyết toán NSNN (đơn vị dự toán các cấp, cơ quan tài chính các cấp, Kiểm toán Nhà nước...); điều chỉnh nhiệm vụ của các khâu trung gian trong quy trình quyết toán, tránh chồng chéo về trách nhiệm của các cơ quan cũng như giúp tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.
Về quy định thời gian lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, cơ quan trung ương gửi Báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước trước ngày 20/7 năm sau (quy định hiện hành là trước ngày 1/10 năm sau).
UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND các cấp phê chuẩn trước ngày 20/7 năm sau (quy định hiện hành, UBND tỉnh gửi báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước trước ngày 01/10 năm sau, sau khi HĐND cấp tỉnh phê chuẩn báo cáo quyết toán (trước ngày 31/12 năm sau) UBND tỉnh gửi lại báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước). Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi Kiểm toán nhà nước chậm nhất ngày 01/9 năm sau (quy định hiện hành là trước ngày 01/3 năm sau nữa).
Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất ngày 20/9 năm sau (quy định hiện hành là chậm nhất 16 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách). Chính phủ gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp cuối năm sau của Quốc hội (quy định hiện hành là chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp giữa năm sau nữa của Quốc hội).
Quốc hội xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN vào kỳ họp cuối năm sau (quy định hiện hành là chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách).