Tăng tốc các dự án đưa nước máy về nông thôn

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Đề án Cấp nước sạch), nhiều dự án đưa nước máy về nông thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc này vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, vừa cải thiện tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch theo quy chuẩn.

Trạm bơm nước thô tại thành phố Biên Hòa của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Trạm bơm nước thô tại thành phố Biên Hòa của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Các địa phương và doanh nghiệp đang tăng tốc thực hiện các dự án nhằm bao phủ mạng lưới cấp nước sạch cho người dân.

Gần 600km tuyến ống đưa nước máy về nông thôn

Đến hết năm 2021, cả tỉnh mới có khoảng 23% dân số nông thôn được cấp nước từ 2 nguồn là công trình cấp nước tập trung nông thôn và công trình cấp nước đô thị (còn gọi nước máy). Để từng bước cải thiện tỷ lệ này, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tháng 3-2022, UBND tỉnh ban hành Đề án Cấp nước sạch với mục tiêu đến năm 2025, có 85% dân số nông thôn dùng nước sạch, trong đó tỷ lệ hộ dân được dùng nước cấp từ 2 nguồn nói trên là 55%.

Đề án đưa ra nhiều giải pháp, trọng tâm là đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn và đấu nối nguồn nước từ các công trình cấp nước đô thị để đưa nước máy về nông thôn. Sau thời gian triển khai thực hiện, các doanh nghiệp và địa phương đã hoàn thành đầu tư gần 600km tuyến ống đưa nước sạch đô thị về nông thôn, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước cấp gần 41%, trong đó nước máy hơn 28%.

Trong 2 năm 2022-2023, các địa phương và doanh nghiệp đã đầu tư gần 600km tuyến ống đưa nước máy về nông thôn với tổng kinh phí hơn 583 tỷ đồng. Năm 2024, các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư khoảng 961km với kinh phí hơn 745 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đang cung cấp hơn 85% lượng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Quản lý dự án, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco) Lê Thành Trung cho biết, thời gian qua, Dowaco và các công ty trực thuộc đã liên kết thực hiện và hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án theo Đề án Cấp nước sạch của tỉnh.

Chỉ tính riêng Dowaco, theo Đề án Cấp nước sạch, công ty thực hiện 83 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 ngàn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10-2024, đã có 30 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 20 dự án đang triển khai, số còn lại sẽ thực hiện trong năm 2025 và sau đó.

Cũng theo ông Trung, bên cạnh 83 dự án nói trên, trong giai đoạn 2021-2025, để chủ động mở rộng cấp nước cho khu vực các xã nông thôn, Dowaco có kế hoạch thực hiện thêm 40 dự án với tổng giá trị 400 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15/40 dự án, đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Phó giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân Dương Đào Trường Thọ cho hay, chỉ tính riêng năm 2024, công ty bố trí khoảng 130 tỷ đồng cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có phát triển mạng lưới nước sạch về nông thôn. Cụ thể, công ty đầu tư 55 dự án tuyến ống về khu dân cư trên địa bàn các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh. Đến thời điểm này, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp cần sự đồng hành của chính quyền

Xã Bình Sơn (huyện Long Thành) nằm sát dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, xã Bình Sơn là một trong 5 vùng phát triển trọng tâm của huyện. Thế nhưng, nhiều năm nay, hạ tầng nước sạch, đặc biệt là nước máy, chỉ có ở trục đường chính, không có tuyến nhánh vào khu dân cư. Gần đây, cùng với dự án trọng điểm là đầu tư hạ tầng cung ứng nước sạch cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã triển khai Dự án Mở rộng hệ thống cấp nước trên xã Bình Sơn.

Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Võ Đức Toàn cho biết, lâu nay người dân trên địa bàn xã dùng nước giếng khoan và nước cấp từ hệ thống cấp nước tập trung nông thôn không đảm bảo chất lượng. Tháng 10 vừa qua, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã khởi công Dự án Mở rộng hệ thống cấp nước xã Bình Sơn. Theo kế hoạch, dự án này sẽ triển khai trong 6 tháng. Hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thay thế cho hệ thống cấp nước tập trung nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tương tự, nhiều năm nay, hơn 1,1 ngàn hộ dân ấp 1, xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) sử dụng nước giếng khoan là chính. Nguồn nước không được kiểm định chất lượng, cộng thêm chi phí tiền khoan giếng và tiền điện bơm nước không rẻ khiến người dân mong mỏi sớm được dùng nước máy. Cuối tháng 9-2024, Công ty CP Cấp nước Gia Tân đã hoàn thành Dự án Đầu tư mạng lưới đường ống nước sạch để đảm bảo cung cấp cho các hộ dân toàn ấp.

Bí thư kiêm Trưởng ấp 1, xã Xuân Đường Nguyễn Hữu Ngọc Dũng chia sẻ, sử dụng nước máy là mong mỏi của người dân ở đây vì nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, vào mùa khô có hộ giếng hết nước. Khi doanh nghiệp có kế hoạch triển khai dự án nước sạch bao phủ toàn ấp với chi phí khoảng 27 tỷ đồng, Ban ấp đã tuyên truyền, vận động và bà con rất phấn khởi đăng ký sử dụng nước máy.

Cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất ở vùng nông thôn, doanh nghiệp không có lời nhưng vì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì người dân, họ đã thực hiện. Doanh nghiệp mong muốn chính quyền tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ này bằng cách bố trí quỹ đất để làm công trình trạm bơm tăng áp, bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho công trình phục vụ nông thôn, địa phương vận động người dân đăng ký sử dụng nước máy để doanh nghiệp nhanh thu hồi vốn.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/tang-toc-cac-du-an-dua-nuoc-may-ve-nong-thon-246784c/