Tăng trưởng GRDP của Hà Nội gấp 1,5 lần mức tăng GDP cả nước

Sáng 30-9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2020 bàn về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020.

Quang cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III - 2020.

Chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.

Dự hội nghị có đại biểu một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố; các Thành ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tham gia hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn các quận, huyện, thị xã.

Tập trung giải quyết "điểm nghẽn" để về đích

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, các quận, huyện, thị xã đang kiện toàn nhân sự, triển khai thực hiện Nghị quyết sau đại hội, trong khi thành phố tập trung chuẩn bị để tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Nhưng không phải vì tập trung thực hiện những nhiệm vụ trên mà thành phố xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách... Đây là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quyết định bảo đảm đời sống xã hội, đời sống nhân dân.

"Hội nghị lần này sẽ tập trung phân tích tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng qua, từ đó tìm ra điểm mạnh để phát huy, điểm yếu kém để khắc phục và điểm nghẽn để tập trung giải quyết. Phát triển kinh tế - xã hội vừa qua như cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thành phố đã vượt chướng ngại vật, đã tăng tốc, quý IV là lúc phải về đích thành công, quyết tâm đạt được mục tiêu đã hứa với Trung ương và Chính phủ là tăng trưởng GRDP cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP cả nước và đạt mức thu ngân sách cao nhất", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản trình bày, 9 tháng qua, đặc biệt là quý III - 2020, mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tăng 3,05% - gấp 1,16 lần mức tăng GDP của cả nước (2,62%); tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%), thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng năm 2020, GRDP Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (2,12%).

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III có 5 điểm nổi bật. Đó là: Sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và dự báo quý IV tiếp tục tăng ổn định; sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng; ngành Xây dựng tiếp tục tăng cao nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình; hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục tăng cao; hệ thống tín dụng, ngân hàng ổn định, dư nợ tín dụng ngân hàng duy trì tăng trưởng khá.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện quý III là 50.027 tỷ đồng, đạt 17,9% dự toán; lũy kế 9 tháng qua, thành phố đã thu được 176.937 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán, bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách 9 tháng qua đạt thấp so với tiến độ và giảm so cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và trong kỳ có 13.829 tỷ đồng số thuế và tiền thuê đất đến hạn nộp được gia hạn theo Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP. Nếu tính cả số thu được gia hạn này, tổng thu ngân sách ước thực hiện 9 tháng là 190.766 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, các lĩnh vực văn hóa, xã hội thành phố tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. 100% người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới 2020-2021 diễn ra an toàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo tại hội nghị.

Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, thành phố đã có 44 ngày không ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng. Hà Nội đã thiết lập trạng thái "bình thường mới” và tập trung thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì phát triển trong các tháng cuối năm.

Trong quý IV năm 2020, thành phố phấn đấu đạt tăng trưởng từ 5% trở lên. Mức tăng này sẽ bảo đảm cao gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP cả nước năm 2020.

Đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020

Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, đại diện các quận, huyện, thị xã đã khái quát kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nêu nhiều đề xuất, kiến nghị của địa phương với thành phố nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2020.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh điều hành phần thảo luận tại hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ và du lịch của quận 9 tháng năm 2020 sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song quận đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Quận cũng đã kịp thời tham mưu với thành phố tạm dừng và tổ chức trở lại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Trong những tháng cuối năm 2020, quận sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, đặc biệt là xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị thành phố xem xét cho phép triển khai thí điểm phát triển kinh tế ban đêm; phê duyệt phương án xây dựng cột mốc km0 để phát triển du lịch của quận...

Đại diện các quận: Cầu Giấy, Hoàng Mai và Long Biên cũng nêu một số kiến nghị với thành phố liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; bổ sung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm…, giúp các địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2020.

Trong khi đó, lãnh đạo các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm đề xuất thành phố tập trung hỗ trợ kinh phí để xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; xây dựng huyện thành quận… Đại diện các huyện cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí phòng cháy, chữa cháy, phát triển chăn nuôi, phê duyệt các dự án phát triển hạ tầng nông thôn, giúp người dân khu vực ngoại thành yên tâm phát triển kinh tế.

Đề xuất nhiều giải pháp khôi phục tăng trưởng kinh tế

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành thành phố Hà Nội nêu nhiều kiến nghị nhằm phát triển các lĩnh vực công thương, nông nghiệp, du lịch, xây dựng… của thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, 9 tháng qua, lĩnh vực công thương của Thủ đô tăng trưởng dương, duy nhất chỉ có nhập khẩu là tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có những điểm đáng lo ngại như, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giảm, chỉ số tồn kho các sản phẩm tăng, chỉ số sử dụng lao động giảm…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại hội nghị.

Trong những tháng cuối năm 2020, Sở Công Thương tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng. Sở Công Thương cũng sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là mặt hàng thịt lợn khi mà nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cũng nêu nhiều giải pháp nhằm phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và thủy sản, qua đó duy trì “điểm sáng” về phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp của Thủ đô.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, trước tác động của dịch Covid-19, ngành Du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng khách du lịch giảm 68%. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng của năm 2020 giảm 68,3%, công suất buồng phòng giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch không có việc làm do không có du khách…

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch đã và đang chuẩn bị để phục hồi tăng trưởng thông qua việc triển khai các biện pháp phát triển du lịch nội địa, tạo sức bật cho du lịch Thủ đô. 14 doanh nghiệp và các khách sạn đã cam kết giảm 30-60% giá tour, phòng, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm…, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 đạt 10 triệu lượt khách du lịch nội địa. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ, nguồn nhân lực và môi trường hoạt động du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị.

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, số thu quý III-2020 của thành phố bằng 105% so với cùng kỳ. Tại khu vực sản xuất, kinh doanh, số thu tuy có sụt giảm, nhưng nguồn thu về đất đai lại khởi sắc hơn so với quý I-2020. Trong những tháng cuối năm 2020, Cục Thuế thành phố sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu các quận, huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2020.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2020 của Thủ đô khá toàn diện, rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý III đã chậm lại so với quý I và II-2020; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng, trong khi đó, tỷ lệ giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm tại khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn; một số thôn, làng chưa đạt chuẩn văn hóa…

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

“HĐND thành phố Hà Nội mong UBND thành phố tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc cho Thủ đô Hà Nội trong các lĩnh vực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, xã hội hóa các dự án cấp nước sạch nông thôn để 100% người dân trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch…”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2020 từ 4-5%

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý III, lũy kế 9 tháng của năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2020, đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ quý IV-2020 để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra, trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành.

Các văn bản này phải được gửi cho tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; trên cơ sở đó, Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Thành ủy phải cụ thể hóa thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh. Tất cả phải nỗ lực để thành phố bước vào Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố với tâm thế làm việc hết mình, không vì đại hội mà xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; giữ vững và để sau đại hội thành phố tiếp đà tăng trưởng vượt lên.

Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu, trong quá trình đó, các cấp, các ngành thành phố phải giảm bớt thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ; siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật; phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ, không để tồn tại hiện tượng “tròn vo không làm gì cả” hoặc chậm trễ, trì trệ trong thực thi công vụ.

Chỉ đạo những vấn đề cụ thể, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phân tích, trong quý III-2020, nông nghiệp đã tăng trưởng bứt phá với mức 6,99%. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng quá thấp (dịch vụ tăng 1,73%), trong khi công nghiệp, xây dựng tăng trưởng chưa cao. Tỷ lệ tăng trưởng GRDP của thành phố so với mức tăng GDP cả nước đang thấp dần, đầu năm, GRDP của thành phố có lúc tăng gấp hơn 1,6 lần GDP cả nước, quý III-2020 chỉ gấp 1,16 lần, 9 tháng của năm 2020 gấp 1,54%. Đồng chí đề nghị, các lĩnh vực khác phải thi đua với nông nghiệp để phấn đấu tăng trưởng cao hơn nữa bằng các giải pháp tổng hợp trên tinh thần “góp gió thành bão”.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải phân tích kỹ hơn vì sao nhập khẩu giảm mạnh, có phải do giảm nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất không; 14 trung tâm bán hàng ở các quận, huyện, thị xã đã mở ra chưa; việc tổ chức tuần lễ bán hàng ban đêm giảm giá, kích cầu tiêu dùng đến đâu rồi? Ngay cả lĩnh vực nông nghiệp, dư địa phát triển chăn nuôi vẫn còn lớn, phải tập trung khai thác trong những tháng tới. Tất cả phải thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn lên.

“Hà Nội không thể bằng lòng với mức tăng trưởng GRDP năm 2020 là 3,5% như dự báo của Tổng cục Thống kê. Trong quý IV-2020, thành phố phải phấn đấu và quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao nhất để cả năm 2020, GRDP thành phố đạt mức tăng trưởng 4-5%”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng chí Vương Đình Huệ đã chỉ đạo cụ thể nhiều vấn đề hạn chế cần khắc phục, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu, đẩy nhanh việc kiện toàn nhân sự các cấp địa phương; vì tiến độ kiện toàn nhân sự như hiện nay là còn chậm. Ban Tổ chức Thành ủy phải rà soát, kiểm tra, tập trung đôn đốc việc này.

Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai kết quả Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”; đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung triển khai thực hiện các dự án ở các cấp, nhất là các dự án trọng điểm, có tác động lớn, các dự án giao thông trọng điểm, dự án đối tác công tư, dự án tư nhân... Các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát các dự án chậm triển khai, tiêu biểu như dự án “Thành phố thông minh”, dự án “Công viên Kim Quy”. Thường trực HĐND thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi mà để dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định.

Hoan nghênh nỗ lực của quận Ba Đình trong việc xử lý vi phạm liên quan đến công trình số 8B Lê Trực và mương Phan Kế Bính, Bí thư Thành ủy đồng thời thông tin cho biết, đã báo cáo để Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết vướng mắc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục tập trung tăng cường công tác an ninh, quốc phòng, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm, những vấn đề tồn đọng và không để phát sinh những vụ việc mới.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng lưu ý, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử; tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư công... Đặc biệt, phải thường xuyên chăm lo an sinh xã hội, đặc biệt là đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gia đình chính sách... “Hà Nội còn nhiều việc dân sinh bức xúc, ngay cả hộ cận nghèo vẫn còn nhiều, khó khăn do thiên tai, bà con vùng sâu, vùng xa còn vất vả, chúng ta phải tập trung quan tâm”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Võ Lâm - Hương Ly - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/979575/tang-truong-grdp-cua-ha-noi-gap-15-lan-muc-tang-gdp-ca-nuoc