Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán

Cùng với sự hậu thuẫn về kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đều cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2 quý cuối năm, từ đó sẽ là 1 trong 2 động lực quan trọng nhất cho VN-Index hồi phục. Tuy nhiên, dòng tiền sẽ vẫn phân hóa và chọn lựa những khối ngành được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế và diễn biến thị trường.

Chất lượng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt tốt hơn

Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo, thị trường chứng khoán Mỹ (TTCK) sẽ có một đợt sụt giảm tiếp theo và có thể ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam; nhưng có thể FED sẽ điều chỉnh các kế hoạch tăng lãi suất. TTCK Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hưởng lợi lớn nhất từ sự xoay chuyển của FED vì Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất trong khu vực, cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến cao thứ hai chỉ sau Indonesia. Hơn nữa, ông Michael Kokalari tin rằng, chất lượng của lợi nhuận doanh nghiệp của Việt Nam hiện tốt hơn nhiều so với Indonesia và các nước khác trong khu vực.

Tăng trưởng GDP sẽ hỗ trợ tích cực cho đà tăng của VN-Index cuối năm. Nguồn: VinaCapital

Tăng trưởng GDP sẽ hỗ trợ tích cực cho đà tăng của VN-Index cuối năm. Nguồn: VinaCapital

Cùng với đó, ông Michael Kokalari cho rằng, thu nhập của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 20% trong năm nay. “Chúng tôi tiếp tục tập trung danh mục đầu tư của mình vào các công ty hưởng lợi từ nền kinh tế đang phục hồi trở lại; đồng thời kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm, vì rõ ràng các vấn đề về chất lượng tài sản sau Covid-19 của các ngân hàng ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng GDP bùng nổ của Việt Nam trong năm 2022” – Chuyên gia của VinaCapital phân tích thêm.

Cũng theo chuyên gia này, ngoài sự phân hóa giữa tình hình phát triển của nền kinh tế và TTCK Việt Nam trong năm nay, còn có một sự phân hóa có thể xảy ra giữa tình hình giá cổ phiếu của các công ty có mức tăng trưởng thu nhập cao trội so với thị trường chung. “Điều này mang lại cho các nhà quản lý quỹ có cơ hội vượt qua chỉ số VN-Index, thể hiện qua việc các quỹ mở cổ phiếu của chúng tôi đã hoạt động hiệu quả hơn khoảng 10 điểm % so với chỉ số VN-Index của đầu năm” - ông Michael Kokalari cho hay.

Ngành nào thu hút dòng tiền cuối năm?

Theo các chuyên gia của MBS, trong giai đoạn cuối năm các ngành thu hút sự quan tâm của dòng tiền sẽ là các ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong 6 tháng cuối năm. Do vậy, các chuyên gia này khuyến nghị các nhà đầu tư nên quan tâm đến một số lĩnh vực tiềm năng bao gồm: ngành chứng khoán, điện, tiêu dùng bán lẻ và dệt may.

Ông Hoàng Công Tuấn phân tích, cổ phiếu ngành chứng khoán đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ đáy, nhưng động lực tăng của cổ phiếu chứng khoán vẫn còn khi TTCK đang có dấu hiệu phục hồi vững chắc với thanh khoản gia tăng mạnh trong các phiên gần đây. Việc TTCK đi lên kéo theo sự gia tăng của khối lượng giao dịch sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nghiệp vụ kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) gia tăng doanh thu bao gồm môi giới, hoạt động cho vay margin. Hoạt động tự doanh nhiều khả năng cũng khả quan hơn khi thị trường có nhịp phục hồi. Một số CTCK bị lỗ tự doanh trong quý II/2022 có khả năng sẽ được trích lập dự phòng đáng kể.

Thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế nội địa

Ông Michael Kokalari - Chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh, doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước. Đó là lý do thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ của kinh tế nội địa.

Đối với cổ phiếu ngành điện - một lĩnh vực mà các chuyên gia của MBS đánh giá tiềm năng trong các tháng cuối năm 2022. “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc trong 2 quý cuối năm sẽ là tiền đề cho sự gia tăng của mức độ tiêu thụ điện năng ổn định. Trong các tháng đầu năm các doanh nghiệp điện bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí đa phần đều báo cáo kết quả kinh doanh khá ấn tượng và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ được duy trì trong các quý cuối năm 2022” – Chuyên gia của MBS phân tích.

Bên cạnh đó, ngành tiêu dùng bán lẻ là ngành mà các nhà đầu tư nên đặc biệt quan tâm vào quý III năm nay. Trong năm 2021 do áp lực của các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều công ty trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng về lợi nhuận. Với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong 7 tháng năm 2022, các chuyên gia của MBS đánh giá các công ty trong lĩnh vực bán lẻ sẽ có 1 quý kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong quý III năm nay so với cùng kỳ.

Ngoài ra, với ngành dệt may đang được hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại. Những ưu đãi thuế quan sẽ là động lực để thúc đẩy các đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam hỗ trợ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp dệt may. Các chuyên gia của MBS kỳ vọng, các đơn hàng từ châu Âu và các nước thành viên CPTPP sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ chi phí lao động phải chăng và lợi thế về mặt kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam.

Hải Băng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-se-ho-tro-thi-truong-chung-khoan-110385.html