Tạo cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển
Ngày 31/5, Quốc hội nghe Tờ trình và thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Cần thiết ban hành 2 dự thảo Nghị quyết
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách). Trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.
Theo ông Dũng, đối với 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố có chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. “Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, các quốc gia không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình Khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế đã được triển khai trong nước” - ông Dũng nói và cho rằng việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, theo ông Dũng có 4 nhóm chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An. Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng KTXH trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 4: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).
Thẩm tra 2 dự thảo nghị quyết trên, về chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng (Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KTXH của Đà Nẵng và của cả vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, ngân sách tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, ông Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Nghị quyết. Đồng thời đề nghị lưu ý cần bám sát Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: Có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh; có tính đột phá hơn nữa theo mục tiêu Nghị quyết số 39: Tạo sức bật mới nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Cái “áo cơ chế” đang bị chặt
Về cơ chế đặc thù đối với Đà Nẵng, ĐB Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi) cho hay, cần cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để Đà Nẵng phát triển hơn nữa, trong đó có mô hình chính quyền đô thị, quản lý đầu tư tài chính, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là đầu tàu miền Trung và Tây Nguyên. Do đó ban hành nghị quyết mới cho Đà Nẵng là quyết sách kịp thời, tạo dư địa đáp ứng yêu cầu thực tiễn để Đà Nẵng phát triển hơn.
Về thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, ông Hùng đánh giá đây là mô hình mới ở Việt Nam. Nhưng ở các nước đã thành lập từ lâu, khu này đã mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Thúc đẩy mô hình hệ sinh thái cảng biển, logistics hoạt động chế xuất. Với quy mô tiềm năng thì mô hình này hoàn toàn phù hợp với Đà Nẵng. Qua đó tạo đà phát triển thuận lợi hơn cho Đà Nẵng.
Theo ĐB Trần Đức Thuận (Đoàn ĐBQH Nghệ An), việc Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành chính sách đặc thù cho Nghệ An là rất cần thiết. Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ 4 cả nước, tiềm năng lớn nhưng vì còn nhiều vướng mắc bất cập nên Nghệ An còn khó khăn.
Theo ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, hiện nay ngay cả các tỉnh có nguồn lực muốn hỗ trợ cho các tỉnh khác thì không thực hiện được. Ví như TPHCM muốn xây dựng một công trình lớn tại quê Bác để tưởng nhớ công ơn của Người thì cũng không thực hiện được. Nhất là chỉ được phép bổ sung nguồn lực cho tỉnh Nghệ An trong đầu tư phát triển miền Tây Nghệ An. Do đó cần có cơ chế để có thể thực hiện trong tỉnh Nghệ An chứ không nên ấn định miền Tây Nghệ An.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trước sự phát triển của đất nước, nền kinh tế có độ mở rộng, cái “áo cơ chế” đang bị chật so với sự phát triển của đất nước. Do đó cần “cái áo khác” để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì thế Chính phủ, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề thí điểm, đặc thù, vượt trội. Cho nên mới có cơ chế đặc thù đối với các địa phương “đầu tàu” như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Theo ông Phương, nhiều lần Chính phủ trình thì Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra câu hỏi: Vậy chính sách đã đặc thù hay chưa? tức là phải khác so với địa phương khác, phát huy thế mạnh mới là đặc thù, rồi đã thực sự vượt trội hay chưa?
“Đây là vấn đề liên quan nhiều đến thủ tục hành chính và phân cấp phân quyền. Vì thế cho chính sách mới để phát triển và kèm theo phân cấp phân quyền và thủ tục hành chính. Như vậy thì mới khả thi” - ông Phương phân tích và cho rằng thí điểm thì có thể thành công hoàn toàn, nhưng có cái không thành công, hoặc ít thành công. Do đó đa số khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu sớm tổng kết “thí điểm”, “đặc thù” để nhân rộng. Cái gì chín thì nhân rộng cả nước. Còn chưa chín thì thí điểm do đó thời hạn thí điểm thường từ 3-5 năm. Cho thí điểm thì phải có đặc thù và vượt trội.
THÔNG CÁO SỐ 12 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA 15
Sáng ngày 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Cũng trong buổi sáng ngày 31/5, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-10282304.html