Tạo cơ chế mở trong tuyển dụng giáo viên

Trao quyền chủ động tuyển dụng GV cho cơ quan quản lý GD các địa phương sẽ giúp nhà trường đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, đội ngũ giảng dạy.

Cô trò Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: TG

Cô trò Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: TG

Tháo nút thắt

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ, phỏng vấn và thực hành sư phạm. Nếu được thông qua sẽ trao quyền chủ động về nhân sự cho cơ quan quản lý giáo dục, cụ thể là phòng/sở GD&ĐT được quyền tuyển dụng giáo viên.

Cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, nếu tuyển dụng giáo viên chỉ dựa vào thành tích học tập sẽ dễ bỏ qua những ứng viên có kinh nghiệm thực tế, năng khiếu sư phạm nhưng lại không có kết quả học tập cao. Phương thức tuyển dụng mới sẽ đánh giá được đầy đủ các kỹ năng mềm cần thiết của một giáo viên như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, năng động, sáng tạo.

Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng giáo viên chưa có nhiều nơi phân cấp phân quyền cho ngành Giáo dục mà do ngành Nội vụ, UBND cấp huyện/tỉnh thực hiện. Việc tuyển dụng thực hiện theo các quy định của Luật Viên chức. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Luật Nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ được chủ động hơn trong việc tuyển dụng giáo viên.

Vị Hiệu trưởng đánh giá, Bộ GD&ĐT đề xuất việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ, phỏng vấn và thực hành sư phạm là phù hợp với thực tế. Người có trình độ cao, tài năng, năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học thì được xem xét tuyển dụng đặc cách.

Nguyên tắc tuyển dụng phải đảm bảo công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm tính cạnh tranh, tuyển chọn đúng người, đáp ứng chuẩn, chức danh nhà giáo.

Đồng tình với dự thảo trên, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, khi xét hồ sơ sẽ giúp cho việc tuyển dụng dễ dàng hơn. Nhà tuyển dụng sơ bộ nắm được quá trình học, bằng cấp và ý thức tham gia dự tuyển của người ứng tuyển. Phỏng vấn sẽ giúp cơ sở tuyển dụng nghe được giọng nói, cách ứng xử, ý thức về nghề dạy học của ứng viên. Nhiều năm qua, các trường trên địa bàn quận tuyển dụng theo dạng thức này.

“Thực hành sư phạm, tức giảng bài là bước cuối và khâu quyết định để cơ quan tuyển dụng hiểu về kiến thức, năng lực sư phạm, khả năng truyền thụ, sự sáng tạo, nhiệt huyết, chữ viết, cảm xúc trong giọng nói, gương mặt của ứng viên. Đây đều là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một giáo viên giỏi sau này”, cô Vân Hồng nói.

 Thầy Nguyễn Văn Hạng - Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp & Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh). Ảnh: TG.

Thầy Nguyễn Văn Hạng - Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp & Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh). Ảnh: TG.

Cần bảo đảm khách quan, công bằng

Nhấn mạnh đến yếu tố phương pháp dạy học, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) khẳng định, hình thức thực hành sư phạm là cách để đơn vị tuyển dụng có thể đánh giá không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn kỹ năng và khả năng vận dụng phương pháp dạy học vào thực tế của ứng viên. Cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, minh bạch.

Cùng đó, quá trình phỏng vấn và đánh giá thực hành sư phạm phải được thực hiện khách quan, đảm bảo công bằng và tạo niềm tin cho người đăng ký dự tuyển. Giáo viên cấp THPT cần có các kỹ năng cơ bản như: Tư duy phản biện, tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian, giao tiếp - liên lạc, làm việc, giải quyết xung đột, thấu hiểu tâm lý học trò...

Cô Hải đánh giá đề xuất phương thức tuyển dụng giáo viên mới trong dự thảo Luật Nhà giáo là một tín hiệu đáng mừng. Đây là bước đi đúng hướng nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc này cần có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt sự đồng thuận của các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh.

Còn cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) khẳng định, môi trường giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của trẻ. Trong những năm gần đây, xu hướng xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ngày càng được các trường mầm non quan tâm và áp dụng có hiệu quả. Muốn vậy, chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng.

Là cấp học nhỏ nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, với cô giáo mầm non, ngoài bằng cấp chuyên môn thì kỹ năng sư phạm vô cùng quan trọng. Khi mới về trường, ban giám hiệu sẽ có một số buổi dự giờ để kiểm tra thực tế xem giáo viên áp dụng kỹ năng ứng xử sư phạm vào thực tế ra sao. Với trẻ, các cô cần dành tình yêu thương, nhẹ nhàng, quan tâm để tạo sự thân thiện mới dễ tiếp thu bài học.

“Về cơ bản, tôi đồng thuận với những điều khoản trong dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có việc tuyển dụng giáo viên thông qua phương thức xét hồ sơ, phỏng vấn và thực hành sư phạm. Đây đều là những yếu tố không thể thiếu trước khi tuyển dụng bất cứ một giáo viên nào, kể cả cấp mầm non hay phổ thông. Điều này càng quan trọng hơn khi ngày nay, thầy cô chịu nhiều áp lực hơn về công việc và sự kỳ vọng của phụ huynh”, cô Minh trao đổi.

Thầy Nguyễn Văn Hạng - Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp & Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) cho hay, nhiều năm qua, đơn vị tuyển giáo viên qua xét hồ sơ xem có đủ tiêu chí không; phỏng vấn để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, xem tính cách của ứng viên; thực hiện một vài tiết giảng và kỹ năng thực hành để đánh giá khả năng sư phạm của người ứng tuyển. Với các trường cao đẳng nghề, việc tuyển dụng giáo viên cần chú trọng tới khả năng thực hành, nhất là ở một số bộ môn thiên về thực hành với máy móc.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-co-che-mo-trong-tuyen-dung-giao-vien-post705671.html