Tạo cơ hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển toàn diện
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bảo tồn văn hóa trên nền tảng gìn giữ bản sắc
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó góp phần cải thiện đời sống của nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu...
Bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Chương trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bởi lẽ phần lớn các vùng này chính là phên dậu quốc gia: “Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tập trung tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi, hẻo lánh biên giới, hải đảo. Nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con thì chúng ta không những mất đi phên dậu sống mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm được”, đại biểu Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ với khó khăn của Ban soạn thảo dự thảo Chương trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương băn khoăn trước các mục tiêu của Dự án 1 bởi cụm từ được nêu "đạt tiêu chuẩn "ba cứng" trong nội dung của dự án còn chung chung: “Những mái nhà cấp bốn, mái tôn, mái bằng bê tông thay dần cho những mái nhà rông, những căn nhà sàn, nhà đất trên lưng dốc, trên đồi. Không biết những ngôi nhà truyền thống dân tộc còn có hay không và có thể mất hẳn kiến trúc đặc thù của dân tộc”.
Đại biểu cũng đề cập tới Dự án 5 trong dự thảo Chương trình, với nội dung bắt buộc dạy tiếng Kinh cho trẻ dân tộc thiểu số: “Liệu đã đúng hay chưa khi chúng ta cho trẻ người dân tộc thiểu số cắp sách đến trường học tiếng Kinh qua những câu chuyện cổ của người Kinh, do cô giáo người Kinh dạy?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Ước tính trên thế giới 40 % ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hóa. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, điều đó đồng nghĩa với việc biến mất của nhiều dạng văn hóa phi vật thể, do đó cần bảo tồn văn hóa trên nền tảng gìn giữ bản sắc của mỗi dân tộc. “Nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng quan điểm văn hóa thì quá trình sẽ trở thành “Kinh hóa” người dân tộc thiểu số - miền núi, như vậy là có bảo tồn gen của người dân tộc thiểu số nhưng không bảo tồn được nguồn văn hóa của cha ông”, đại biểu khẳng định.
Phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các mục tiêu
Nhất trí với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có những khó khăn đặc thù.
Nhằm phát huy tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư xây dựng các trạm y tế cho các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới có đủ điều kiện khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản cần được quan tâm đúng mức. Song song với quá trình đầu tư này, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đồng thời đưa ra các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiểm soát tỷ lệ sinh và nâng cao chất lượng dân số ở một số dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng và hướng dẫn Mặt trận tổ quốc các cấp giám sát thực hiện các nội dung trong Chương trình.
Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề chăm lo cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhấn mạnh việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung, lồng ghép nội dung về giới vào các dự án liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong Chương trình, đặc biệt cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ, trẻ em để họ tự bảo vệ mình và người thân khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm đến điều kiện sống, làm việc, nhu cầu thiết yếu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như ăn mặc, nước sạch, vệ sinh môi trường; đồng thời đảm bảo tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ dân tộc thiểu số, đảm bảo tối thiểu 15% lao động nữ người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, khi nói đến phát triển kinh tế, xã hội tộc thiểu số - miền núi là đồng thời nhắc đến cơ hội để phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, qua đó tạo điều kiện cải thiện giống nòi của thế hệ dân tộc thiểu số tương lai.
Cho rằng người mẹ là nhân vật trao truyền những giá trị văn hóa cho con cái, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ sự tin tưởng: Khi những người mẹ được giáo dục, chăm lo tốt, có cơ hội để nâng cao vị thế xã hội, họ sẽ kiến tạo nên những thế hệ trẻ tương lai dân tộc thiểu số đầy triển vọng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào nội dung dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia quy định rõ về tỷ lệ phần trăm người dân tộc thiểu số miền núi được ưu tiên các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tham gia các hoạt động hướng nghiệp, đảm bảo tỷ lệ phụ nữ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong quá trình mang thai, sinh nở.
Bộ khung tiêu chí tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ tham gia các cuộc họp cấp thôn và tỷ lệ phần trăm tối thiểu phụ nữ được lựa chọn hưởng lợi từ các công trình phúc lợi xã hội cũng cần được xác định rõ, đảm bảo yếu tố cân bằng giới. Ngoài ra, vai trò của phụ nữ thiểu số trong quá trình khởi nghiệp các ngành nghề truyền thống cần được chú trọng bởi họ chính là những nghệ nhân dân gian, nắm giữ nhiều bí quyết thủ công và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Xây dựng tiêu chí đối với nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn
Ủng hộ Dự án 9 về "Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn", đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) mong muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng tiêu chí đối với nhóm dân tộc tổng hợp hay nhóm đặc biệt khó khăn. Theo đại biểu, đây sẽ là cơ sở để triển khai hiệu quả các chính sách.
Đề xuất Quốc hội, Chính phủ xếp dân tộc Mông vào diện khó khăn, đại biểu Vương Ngọc Hà giải thích: "Đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại các vùng núi cao, điều kiện tự nhiên, địa hình khắc nghiệt, ít đất sản xuất, vùng núi đất dễ sạt lở, vùng núi đá khô, nhất là vào mùa khô, những nơi đó là “lõi nghèo” của cả nước. Ngoài ra, dân tộc Mông còn có nguy cơ bị mai một tiếng nói, chữ viết, trang phục và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, nhọc nhằn, sự kiên cường và tình yêu đất nước của người đồng bào dân tộc Mông đã góp phần giữ vững dọc dài biên cương Tổ quốc.
Nhấn mạnh chất lượng nhân lực của đồng bào Mông chưa cao, đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng nếu được thoát nghèo, tạo điều kiện phát triển, đồng bào dân tộc Mông sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.
Đối với nhóm dân tộc rất ít người, đại biểu Vương Ngọc Hà kiến nghị, cần xác định mức đầu tư hỗ trợ sản xuất, nâng cao trình độ cho lao động, nhằm tạo sinh kế phù hợp cho đồng bào. Theo đại biểu này, Chính phủ không cần thiết xây dựng mô hình cụ thể bởi "các mô hình phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, hình thức canh tác nên dễ dẫn đến tình trạng phù hợp với địa phương này những không phù hợp với địa phương khác, phù hợp với dân tộc này nhưng không phù hợp với dân tộc khác".
Đề nghị giải quyết dứt điểm 100% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, cải tạo đất sản xuất, hỗ trợ cây, con để sản xuất nông nghiệp ở hộ gia đình thuộc nhóm đồng bào rất ít người và khó khăn, đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng cần xây dựng đội ngũ người có uy tín tại chính các nhóm người dân tộc rất ít người; bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, tạo cơ hội cho họ đi tham quan, học tập kinh nghiệm. "Họ cùng với những cán bộ cơ sở sẽ là những người vận động, thuyết phục bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tính liên kết cộng đồng, sự tin tưởng cán bộ cơ sở, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc gì khó mấy cũng làm được", đại biểu Vương Ngọc Hà nêu rõ.