Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục
Chính sách hỗ trợ học phí HS tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường tiểu học công lập được đánh giá tạo công bằng giữa khối trường công - tư thục...
Hỗ trợ 100.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức và hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học, loại hình tư thục (trực thuộc sở) về việc báo cáo, rà soát thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập.
Năm học 2023 - 2024 là năm học đầu tiên TPHCM thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường tiểu học công lập theo tinh thần Nghị quyết số 05/2023 của HĐND thành phố. Cuối năm học là thời điểm thực hiện hỗ trợ một lần, theo số tháng thực học (không quá 9 tháng/năm học).
Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý các phòng GD&ĐT về việc xác nhận thông tin học sinh đang theo học tại cơ sở giáo dục. Theo đó, hồ sơ minh chứng việc này gồm: Quyết định thành lập; quyết định về việc cho phép hoạt động giáo dục; quyết định về việc công nhận hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. Đủ điều kiện này, hiệu trưởng trường thuộc loại hình tư thục đó có thể xác nhận học sinh đang học tại trường.
Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học, loại hình tư thục chịu trách nhiệm triển khai, phổ biến, hoàn tất trình tự, thủ tục và chi trả cho đúng đối tượng được hỗ trợ tiền đóng học phí, đồng thời có trách nhiệm thực hiện hồ sơ quyết toán gồm danh sách học sinh được hỗ trợ học phí về phòng GD&ĐT theo quy định.
Những học sinh tiểu học tư thục trên các địa bàn này sẽ được hỗ trợ học phí theo hai nhóm (quy định tại Nghị quyết số 16/2022 của HĐND TPHCM). Nhóm 1 gồm trẻ học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Mỗi học sinh được hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng. Học sinh học tại các trường ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ thuộc nhóm 2 được nhận hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, chính sách này giúp giảm áp lực tài chính với các gia đình, từng bước giảm áp lực về sĩ số học sinh ở trường công lập, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống trường công. Qua đó, khuyến khích nhà đầu tư có đủ năng lực tiếp tục phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập.
Tháng 10 năm ngoái, UBND TPHCM ban hành quyết định công nhận danh sách địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại TPHCM năm học 2023 - 2024. Tổng có 147 phường, xã, thị trấn được xác định là địa bàn không đủ trường tiểu học trên địa bàn TPHCM theo Nghị quyết 05/2023 của HĐND TPHCM.
Tạo công bằng trong giáo dục
Thầy Huỳnh Linh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, để đăng ký hỗ trợ học phí, gia đình học sinh cần chuẩn bị đơn đề nghị, giấy khai sinh/giấy xác nhận thông tin về cư trú, hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tiểu học tư thục sẽ căn cứ trên hồ sơ của học sinh để xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Sau khi xét duyệt hồ sơ, hiệu trưởng có trách nhiệm gửi danh sách học sinh được hưởng chính sách kèm theo hồ sơ và thông tin tài khoản của đơn vị về các phòng GD&ĐT quận, huyện nơi học sinh cư trú để thẩm định.
“Phòng GD&ĐT có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trên cơ sở dự toán ngân sách hằng năm của cấp có thẩm quyền giao và phân bổ. Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm rút dự toán tại kho bạc để chuyển khoản cho cơ sở giáo dục tiểu học tư thục và cở sở giáo dục phổ thông nhiều cấp học và có cấp tiểu học”, thầy Sơn cho biết thêm.
Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) đánh giá chính sách của Sở GD&ĐT TPHCM hợp lý, tạo công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giữa các loại hình nhà trường và cho tất cả học sinh tiểu học. Từ đó sẽ giảm áp lực về tài chính với các gia đình học sinh tiểu học đang khó khăn trong tiếp cận trường công, có tác động tích cực đến sự phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Chính sách cũng phần nào giảm áp lực về sĩ số học sinh của các trường công lập, giảm gánh nặng của ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và con người ở các trường công lập.
Giải thích một cách dễ hiểu, ông Điệp nói, mọi trẻ đều được nhận một khoản hỗ trợ, nếu học ở trường công thì khoản này sẽ chuyển về trường công, ở trường tư thì chuyển về trường tư. Khi có sự hỗ trợ công bằng, sẽ khuyến khích học sinh học các trường tư thục, giảm bớt áp lực tuyển sinh tại các trường công. “Để chính sách thực sự nhân văn, bình đẳng, các cơ sở giáo dục cần công khai, minh bạch các khoản thu trong nhà trường, khoản nào được thu, hỗ trợ và những học sinh nào được hỗ trợ”, ông Điệp nói.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đánh giá cao chính sách trên và sau mỗi năm học, Sở GD&ĐT TPHCM cùng các địa phương nên tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện những tồn đọng trong việc hỗ trợ học phí. Điều này duy trì sự công khai, minh bạch khi triển khai chính sách, ngăn chặn biểu hiện trục lợi.
Theo Nghị quyết số 05/2023 của HĐND TPHCM, xã, phường, thị trấn thuộc 1 trong 2 tiêu chí sau sẽ được xác định là địa bàn không đủ trường tiểu học công lập:
Tiêu chí 1 là phường, xã, thị trấn không có cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập và chính quyền không bố trí được dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn học tại các cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lâp ở các phườ̀ng, xã, thị trấn lân cận.
Tiêu chí 2 là xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục tiểu học, loại hình công lập, nhưng không đáp ứng được quy mô dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn, định mức học sinh/lớp cấp tiểu học theo quy định.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-post688569.html