Tạo đà phát triển giáo dục toàn diện

Trong 10 năm gần đây, hệ thống trường chuyên ngày càng khẳng định tính tiên phong, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Cùng với các địa phương, các trường chuyên thuộc thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục tạo đà phát triển giáo dục toàn diện.

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) giành 5 huy chương tại Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn năm 2021

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) giành 5 huy chương tại Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn năm 2021

Phát triển cả về “lượng” và “chất”

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg (ngày 24-6-2010) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, hệ thống trường chuyên cả nước được củng cố và phát triển cả về quy mô và chất lượng. Nếu như năm 2010, cả nước có 68 trường chuyên, thì đến năm 2020 là 77 trường, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường chuyên. Tỷ lệ học sinh của các trường chuyên chiếm 2,7% tổng số học sinh trung học phổ thông của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, không chỉ phát triển về quy mô, chất lượng giáo dục của các trường chuyên ngày càng có bước chuyển biến mạnh. Năm 2020, tỷ lệ học sinh giỏi ở các trường chuyên tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Cũng trong năm 2020, cả 24 học sinh của các trường chuyên tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế đều đoạt giải.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội hiện có 4 trường trung học phổ thông có lớp chuyên, gồm các trường: Chuyên Hà Nội Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, chuyên Sơn Tây, Chu Văn An. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay, trong những năm qua, thành phố đã tăng cường đầu tư, ưu tiên mở rộng diện tích cho các nhà trường để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất. Đơn cử, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam được đầu tư 432 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích hơn 5ha; Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ được đầu tư hơn 200 tỷ đồng trên diện tích 6,3ha… Với sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả, 10 năm qua, học sinh của các trường đã giành gần 1.400 giải quốc gia, 106 giải quốc tế. Kết quả này đã lan tỏa, tạo động lực để các nhà trường trên địa bàn thành phố cùng thi đua dạy tốt, học tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.

Đào tạo học sinh phát triển toàn diện

Với mục tiêu đào tạo học sinh phát triển toàn diện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tập trung triển khai bốn giải pháp trọng tâm để phát triển mạnh mẽ hệ thống trường chuyên. Đó là, nâng cao chất lượng học sinh; đẩy mạnh chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường hợp tác quốc tế; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất. Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng chủ động, linh hoạt phù hợp với học sinh của mỗi trường.

Là một trong bốn trường có đào tạo học sinh chuyên của thành phố Hà Nội, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam xác định việc đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh một cách toàn diện là giải pháp gốc. Theo bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhà trường coi trọng việc rèn kỹ năng cho học sinh thông qua nhiều hoạt động, trong đó có việc thành lập câu lạc bộ về văn hóa, lịch sử truyền thống, khoa học - kỹ thuật, thể thao… Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, từ đó tăng cường giáo dục phẩm chất và ý thức trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và đất nước, giúp cho việc học tập, rèn luyện hiệu quả hơn.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ Nguyễn Hoàng Kim, mục tiêu của nhà trường là học sinh được phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học, có thể sử dụng ít nhất một ngoại ngữ và học đại học bằng ngoại ngữ. Để đạt mục tiêu này, nhà trường tập trung đổi mới và hiện đại hóa phương pháp dạy học theo hướng phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng tính chủ động, sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động xã hội.

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, làm nền tảng, tạo động lực thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032” và sớm ban hành quy chế mới về hoạt động của trường chuyên.

Nhấn mạnh quan điểm đào tạo học sinh phát triển toàn diện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương, nhà trường, đào tạo hệ chuyên là đào tạo phổ thông, lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người là mục tiêu quan trọng nhất. Các địa phương, nhà trường cần chú trọng giáo dục toàn diện, tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời với việc phát triển hệ thống giáo dục phổ thông hài hòa, tạo sự bình đẳng trong giáo dục.

Cẩm Giang (theo Hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/73472/tao-da-phat-trien-giao-duc-toan-dien.html