Tạo điều kiện để người được đặc xá làm lại cuộc đời

Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo, tiến bộ. Từ đó, khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù tích cực học tập, lao động cải tạo để sớm được hưởng chính sách khoan hồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương Nguyễn Trí Tuệ trao giấy chứng nhận đặc xá cho các phạm nhân Trại giam Xuân Lộc. Ảnh: T.Tâm

Phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương Nguyễn Trí Tuệ trao giấy chứng nhận đặc xá cho các phạm nhân Trại giam Xuân Lộc. Ảnh: T.Tâm

Ngày 1-10 đã trở thành ngày hội của 69 phạm nhân được đặc xá tại Trại giam Xuân Lộc (đóng tại xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc). Để sớm được tự do, trở về với gia đình, các phạm nhân này đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong cải tạo và lao động.

Niềm vui ngày đoàn tụ

Sáng sớm 1-10, khi mặt trời còn chưa ló dạng, một số phạm nhân có tên trong danh sách được đặc xá nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2-9) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) đã gấp gọn bộ quần áo, lau dọn sạch sẽ nơi ở của mình và ngồi chờ giây phút được bước ra khỏi cánh cổng trại giam.

Ngồi nhìn qua cửa sổ buồng giam, bà N.T.H.N. (40 tuổi, phạm nhân thuộc Phân trại số 5, Trại giam Xuân Lộc) nôn nao mong trời sáng dần. Bà N. chia sẻ, hơn 4 năm, 7 tháng ở trong trại đối với bà là khoảng thời gian quá dài và phí hoài cuộc đời. Phút sai lầm của bản thân đã đẩy bà vào con đường tù tội, bỏ lại chồng, con cùng cha mẹ già không ai chăm sóc.

Bà N. kể lại, chỉ vì chiếm đoạt tài sản của người khác nên bà đã phải lãnh mức án 7 năm, 6 tháng tù. Thế nhưng, qua thời gian cải tạo, chấp hành tốt mọi quy định của trại giam và luôn nỗ lực hết mình trong mọi việc, bà đã được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá, tha tù trong dịp này.

Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2-9) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), Chủ tịch nước đã ký quyết định về đặc xá, tha tù trước thời hạn cho gần 3,8 ngàn phạm nhân. Trong đó, tại Đồng Nai, đã có 101 phạm nhân được đặc xá (69 phạm nhân tại Trại giam Xuân Lộc và 32 phạm nhân tại Trại Tạm giam (B5) Công an tỉnh).

“Chỉ một chút nữa thôi, tôi được trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chồng và 2 con. Vì bản thân và gia đình, tôi sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành người tốt, sống có ích với gia đình và xã hội” - bà N. bộc bạch.

Tương tự, trong buồng giam thuộc Phân trại số 5, Trại giam Xuân Lộc, từ sáng sớm 1-10, tiếng cười đã rộn rã khắp căn phòng. Phạm nhân N.T.L. (61 tuổi) đi bắt tay chào từng người trong phòng và không quên gửi lời động viên những phạm nhân còn lại cố gắng cải tạo để được sớm ra khỏi trại giam.

Bà L. kể, vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên bà bị tòa tuyên xử 7 năm tù. Khi được hỏi đã ở trong trại giam được bao lâu thì bà L. trả lời ngay là 4 năm, 5 tháng và 2 ngày. Bởi lẽ, từng ngày ở trong trại giam, mỗi đêm trước khi nhắm mắt ngủ, bà lại đọc số năm, số ngày mà bản thân đã chấp hành án. Bà luôn nỗ lực trong cải tạo để sớm được trở về với các con. Bà mong sau khi ra khỏi trại giam có thể tìm được việc làm để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp các con bớt gánh nặng.

Phạm nhân làm thủ tục trước khi được trả tự do. Ảnh: T.Tâm

Phạm nhân làm thủ tục trước khi được trả tự do. Ảnh: T.Tâm

Khi được ký vào các giấy tờ hồ sơ để ra khỏi trại giam, đôi tay anh C.V.T. (35 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) run rẩy khiến cho nét bút nguệch ngoạc. Anh T. nói, đây là chữ ký đánh dấu cuộc đời tự do của anh nên anh rất hồi hộp.

Trong quá trình làm việc, anh T. gây ra vụ cháy nổ nên bị tòa tuyên 7 năm tù. Sau khi cải tạo được hơn 4 năm, anh T. được xét đặc xá trong dịp này. Anh T. cũng mong sau khi ra khỏi trại giam có thể tìm được việc làm phù hợp với nghề cơ khí của bản thân để đủ điều kiện nuôi sống gia đình.

Ngay sau khi làm xong thủ tục ra khỏi trại giam, cầm trên tay quyết định đặc xá, anh T. lao vội ra khỏi cổng trại giam với nụ cười hạnh phúc. Các thành viên trong gia đình đã ôm chầm lấy nhau, anh T. vỗ về vợ: “Anh về rồi. Mình về nhà thôi”.

Chính sách nhân văn

Theo thượng tá Trần Khắc Điệp, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc, đợt đặc xá nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Trại giam Xuân Lộc có 69 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá. Họ đều có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt. Tất cả số phạm nhân này đều đã được rà soát, xét duyệt chặt chẽ, thẩm định kỹ càng, đảm bảo đúng quy định, khách quan, công bằng. Các phạm nhân này có tội danh, mức án, thời gian chấp hành án đảm bảo đúng điều kiện đặc xá năm 2024 và đã tự nguyện hoàn thành phần hình phạt bổ sung là các khoản án phí, tiền bồi thường, truy thu...

Niềm vui của người thân khi chào đón những người vừa được đặc xá về lại cuộc sống đời thường. Ảnh: T.Tâm

Niềm vui của người thân khi chào đón những người vừa được đặc xá về lại cuộc sống đời thường. Ảnh: T.Tâm

Tính từ năm 2009 đến nay, Trại giam Xuân Lộc đã thực hiện 9 lần đặc xá cho phạm nhân, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự; tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp.

Phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Nguyễn Trí Tuệ cũng cho biết, quyết định đặc xá của Chủ tịch nước thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần và địa vị xã hội, miễn là phạm nhân có đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật và quyết định của Chủ tịch nước đều được xem xét đề nghị đặc xá. Điều đó tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tiến bộ. Từ đó, khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để sớm được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

“Đối với phạm nhân chưa được hưởng đặc xá năm nay, cần nỗ lực, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy trại giam; tích cực học tập, lao động cải tạo để sớm đủ điều kiện hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách khác như: giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện” - Phó chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, đặc xá mới chỉ là bước khởi đầu của con đường hướng thiện. Trước mắt, những người được đặc xá còn nhiều thử thách, khó khăn, gian khổ, nhất là sự cám dỗ, lôi kéo, xúi giục, thậm chí đe dọa của người xấu, kẻ ác. Do đó, sau khi được hoàn lương, người được đặc xá cần vượt qua cám dỗ để trở thành người lương thiện, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc và dứt khoát không tái phạm tội; tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, có lối sống lành mạnh, tích cực.

Mặt khác, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cũng mong các ngành, tổ chức xã hội, cá nhân và thân nhân các gia đình có người được đặc xá trở về luôn dang rộng vòng tay, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người được đặc xá, tha tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/tao-dieu-kien-de-nguoi-duoc-dac-xa-lam-lai-cuoc-doi-aa60f8c/