Tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư
Nỗ lực đổi mới tư duy, quyết liệt hành động để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp Quảng Ninh và Hải Phòng vươn lên dẫn đầu thu hút vốn FDI của cả nước
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh và Hải Phòng đều đã thu hút được hơn 3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành 2 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại.
Liên tiếp đón dự án tỉ đô
Tính đến hết tháng 10-2023, hơn 3 tỉ USD vốn FDI đã đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt khoảng 256% kế hoạch năm 2023. Quảng Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 24 dự án và điều chỉnh tăng vốn 1 dự án.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 10-2023, tại Khu Công nghiệp (KCN) Sông Khoai ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1) đã chính thức đi vào vận hành sản xuất. Jinko 1 kết hợp với dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2, hoạt động từ tháng 1-2022) đã hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh.
Dịp này, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn khoảng 1,5 tỉ USD. Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar, cho biết: "Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của Jinko Solar trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm của tập đoàn sản xuất tại nước ngoài".
Địa phương "hàng xóm" của Quảng Ninh là TP Hải Phòng cũng đã thu hút trên 3 tỉ USD vốn FDI trong 10 tháng đầu năm nay - tăng trên 140% so với cùng kỳ năm 2022, vượt trên 52% kế hoạch năm 2023 và giành ngôi "á quân" cả nước về thu hút vốn ngoại.
Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỉ USD. Ngoài ra, Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đăng ký đầu tư 237,5 triệu USD cho dự án sản xuất máy và thiết bị của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions Inc. (Nhật Bản) tại khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 425 triệu USD.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Để vươn lên vị trí cao nhất cả nước về thu hút vốn FDI là kết quả của một quá trình không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh và Hải Phòng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, cho biết kết quả đạt được vừa qua là thành quả từ những nỗ lực của tỉnh cũng như Ban Quản lý KKT. Quảng Ninh đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Quảng Ninh đã quyết liệt, cải cách thực chất các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư. Những điều này đã trực tiếp tác động tích cực đến doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm lựa chọn Quảng Ninh.
Đáng chú ý, Quảng Ninh đã số hóa mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư; cải tiến bộ tài liệu, dữ liệu xúc tiến đầu tư để quảng bá tới các nhà đầu tư một cách nhanh nhất, chính xác nhất về tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.
Quảng Ninh cũng đã chủ động, tích cực xúc tiến đầu tư với các đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội làm ăn và mở rộng quy mô đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng, cho biết sức hấp dẫn trong việc thu hút FDI của Hải Phòng là do có hệ thống các KCN, KKT hiện đại. Hải Phòng có KKT Đình Vũ - Cát Hải và 14 KCN đang hoạt động, trong đó 9 KCN nằm trong KKT Đình Vũ - Cát Hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện với 8 bến, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tiếp theo. Ngoài ra, sân bay quốc tế Cát Bi cùng hệ thống đường cao tốc, đường bộ kết nối thuận tiện trong vùng, miền và với cả nước; hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi… cũng là những lợi thế của Hải Phòng trong thu hút vốn FDI.
Theo ông Lê Trung Kiên, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của lãnh đạo TP Hải Phòng; dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn và trực tiếp xúc tiến đầu tư cả tại chỗ lẫn nước ngoài. Các chuyến công tác gần đây của lãnh đạo Hải Phòng tại Hàn Quốc, Nhật Bản mang lại nhiều kết quả và ngay sau đó, những dự án tỉ đô đã được triển khai.
Trong đó, vào tháng 6-2023, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã trực tiếp sang Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại Hải Phòng - Hàn Quốc và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Nhật Bản năm 2023. Chỉ ít ngày sau, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức trao giấy chứng nhận điều chỉnh vốn đăng ký đầu tư cho dự án của Công ty TNHH Innotek Việt Nam Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ với số vốn tăng thêm 1 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 2 tỉ USD.
Tiếp đó, cuối tháng 9-2023, Hải Phòng tổ chức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới) và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 961,5 triệu USD. Trong đó, dự án có số vốn lớn nhất - 500 triệu USD - là nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của SK - tập đoàn lớn thứ 2 của Hàn Quốc).
Ông Trần Kinh Vĩ nêu rõ sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, thực chất của chính quyền Quảng Ninh cùng với sự tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là những yếu tố quyết định để Jinko Solar tiếp tục lựa chọn địa phương này là địa điểm đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam và các dự án khác trong tương lai.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tao-niem-tin-lon-cho-nha-dau-tu-20231109204550361.htm