Tạo sinh kế bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Linh hoạt lồng ghép các chương trình dự án, huy động nguồn lực xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng địa bàn đã có tác động hiệu quả nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn ở Bạc Liêu đang ngày càng thay đổi tích cực.
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế, đồng bào DTTS tỉnh Bạc Liêu, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước như hỗ trợ xây nhà ở, vốn sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Qua đó góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng đổi thay, phát triển. Hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, bằng cách tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, đổi mới cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững... Từ đó người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Hương Thị Thel - ấp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) có 5 người, 3 người con đang đi học nhưng kinh tế chỉ dựa vào quán tạp hóa nhỏ dựng tạm trên khu đất mướn của người quen. Nguồn thu từ việc buôn bán nhỏ không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nhất là khi chồng chị bị bệnh, không thể lao động nặng.
Năm 2023, để giúp gia đình chị Thel phát triển kinh tế, Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hòa Bình đã xét duyệt hỗ trợ chị mua một chiếc tủ đông trị giá gần 10 triệu đồng. Nhờ vậy, chị Thel đã mở rộng bán thêm các loại thịt và hải sản cho người dân xung quanh. Việc bảo quản thực phẩm lâu hơn, an toàn hơn đã giúp chị thu hút thêm khách hàng, cải thiện doanh thu từ tiệm tạp hóa.
Không chỉ dừng lại ở đó, cùng trong năm 2023, gia đình chị còn được tài trợ một căn nhà tình thương, giúp gia đình yên tâm về nơi ở, không còn lo lắng mỗi khi mưa bão. Từ đó, chị Thel có thể tập trung hơn vào công việc kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.
Cùng hoàn cảnh với chị Thel, gia đình chị Thị Thu, trú xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) thuộc diện đông con, kinh tế khó khăn chia sẻ: Nhờ tham gia lớp học đan đát sợi nhựa rồi nhận hàng về làm lúc nông nhàn, nên tôi đã có thêm thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, từ đó cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Hay như trường hợp vợ chồng ông Danh Quách ở ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa đều đã già yếu, mất sức lao động và không có nghề nghiệp ổn định. Đầu năm nay, gia đình ông được Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ xây dựng căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vốn mua heo và hỗ trợ tiền mua thức ăn để phát triển chăn nuôi nên vợ chồng già đã có việc làm ổn định. “Được sự quan tâm của chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của bản thân nên vợ chồng tôi đã có việc làm ổn định và cuộc sống đỡ vất vả hơn so với trước” - ông Quách chia sẻ.
Ông Danh Cáo - Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hồng Dân cho biết, giai đoạn 2021 – 2024, huyện đã triển khai lồng ghép Chương trình mục tiêu giảm nghèo gắn với hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm và hỗ trợ vốn tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS được hơn 7 tỷ đồng. Tổ chức mở gần 130 lớp dạy nghề cho gần 1.700 lao động người DTTS và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động. Riêng năm 2024, nhiều đơn vị không chỉ trao vốn mà còn hỗ trợ trực tiếp cây, con giống, phương tiện sản xuất cho người dân và trao tặng bảo hiểm y tế, phương tiện đi lại cho học sinh con em hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, khó khăn với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã giúp bà con là người dân tộc vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước; những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Hứa Ngọc Triệu - Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS. Trong 2 năm 2022 và 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh gần 47 tỷ đồng, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, có 2 dự án không thể giải ngân được, do không có địa bàn thực hiện, phân bổ vốn và đối tượng thụ hưởng (trong đó có dự án 6 là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Các cơ chế, quy định về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được hoàn thiện, tỷ lệ giải ngân được nâng cao, các chính sách được hoàn thiện.
“Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nâng lên” - ông Hứa Ngọc Triệu cho biết thêm.