Tạo sinh kế giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người ở Quang Bình

Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, DTTS rất ít người, gồm: Pà Thẻn, Phù Lá của huyện Quang Bình đã được hỗ trợ các dự án phát triển chăn nuôi. Đến nay, các dự án đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sinh kế thoát nghèo cho bà con.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn học tập kinh nghiệm nuôi lợn của chị Hủng Thị Quang (đầu tiên bên phải), thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành. (Ảnh chụp trước tháng 4.2021)

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn học tập kinh nghiệm nuôi lợn của chị Hủng Thị Quang (đầu tiên bên phải), thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành. (Ảnh chụp trước tháng 4.2021)

Cách đây vài năm, chị Hủng Thị Quang, dân tộc Pà Thẻn, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, thêm thắt vào chi tiêu của gia đình. Năm 2020, theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ, chị được hỗ trợ 8 con lợn nuôi thương phẩm. Thấy có hiệu quả kinh tế rõ rệt, chị đã duy trì và phát triển quy mô chăn nuôi lớn hơn với tổng đàn đạt trên 30 con lợn. Để chủ động con giống, chị nuôi thêm 3 con lợn nái. Lứa lợn vừa rồi xuất chuồng một phần, mỗi con nặng hơn 100 kg, bán được 60 triệu đồng. Chị Quang chia sẻ: “Chăn nuôi lợn trở thành thu nhập chính của gia đình. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện cho DTTS ít người phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Thôn Đồng Tiến có 33 hộ dân tộc Pà Thẻn được hỗ trợ lợn, mỗi hộ 8 con, tổng đàn 264 con. Hiện các hộ thuộc mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm đã bán, tái đàn và cam kết duy trì chăn nuôi trong 3 năm. Mỗi hộ sau khi bán lợn đều gây quỹ từ 10 - 20 nghìn đồng để động viên, khen thưởng cho thành viên chăn nuôi lãi nhất. Ông Hủng Văn Sứ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm cho biết: “Chủ yếu các hộ nuôi lợn đen, nấu cám cho lợn ăn nên chất lượng thịt thơm, ngon, tự chủ động được đầu ra của sản phẩm. Việc hỗ trợ chăn nuôi lợn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của bà con, tiềm năng, lợi thế của vùng”.

Năm 2020, ngoài việc triển khai dự án chăn nuôi lợn ở thôn Đồng Tiến, huyện Quang Bình thực hiện hỗ trợ các mô hình tổ hợp tác như: Chăn nuôi lợn, trâu kết hợp tại thôn Thượng Sơn, thị trấn Yên Bình; chăn nuôi lợn, trâu kết hợp tại thôn Phù Lá, xã Tân Nam; chăn nuôi trâu, dê tại thôn Lùng Lý, xã Xuân Minh; Hợp tác xã nuôi bò thôn Nặm Khẳm, xã Tân Bắc... Huy động được 141 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ cho mỗi mô hình 500 triệu đồng. Trong đó, mức hỗ trợ cho mỗi hộ nuôi lợn là 8 con lợn; mỗi hộ nuôi trâu 1 con trâu; mỗi hộ nuôi dê là 5 con dê; có 8 hộ nuôi bò, mỗi hộ là 4 con.

Để đưa chính sách đến với cuộc sống, Phòng Dân tộc huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn, các xã làm tốt công tác tuyên truyền, họp dân, bình bầu các nội dung hỗ trợ theo quy định của dự án, chủ động lựa chọn con giống phù hợp với từng địa phương và theo định hướng sản xuất hàng hóa. Có thể khẳng định, các dự án hỗ trợ đã mang lại thu nhập, giúp các hộ có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và dần thay đổi tư duy trong chăn nuôi. Qua đó, đóng góp tích cực trong chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, do các yếu tố đặc thù về địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí nên ở một số nơi quá trình triển khai, thực hiện dự án còn gặp khó khăn, nhất là việc làm chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi.

Những kết quả trên là cơ sở để huyện Quang Bình xây dựng các giải pháp, nhân rộng những mô hình chăn nuôi thực sự hiệu quả, tạo động lực và niềm tin cho bà con vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, rút ngắn khoảng cách về đời sống kinh tế và tinh thần của đồng bào DTTS rất ít người.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202107/tao-sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-rat-it-nguoi-o-quang-binh-778362/